Trong một xã hội ngày càng văn minh, lịch sự, thì việc nâng chất văn hóa cho tiểu thương thật hợp thời và cần thiết. Họ học văn hóa ứng xử, lời chào mời, đạo đức kinh doanh, kỹ năng giao tiếp v.v… Tựu chung là thể hiện nét văn hóa và cái tâm đức của người buôn bán.
Đó là một phần quan trọng của nội dung lớp học “Kỹ năng kinh doanh” do Công ty Coca-Cola phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức dành cho tiểu thương trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, vừa diễn ra thú vị và đạt kết quả tốt. Hơn 400 tiểu thương bước vào giảng đường đại học với trình độ học vấn, phong cách ứng xử, tuổi tác, hoàn cảnh sinh sống khác nhau nhưng đều cùng chung một mục đích làm cho việc buôn bán của mình ngày một khấm khá hơn.
Ban đầu, nhiều người chỉ có ý định học theo… phong trào, thậm chí có những chị dẫn cả con nhỏ vào lớp học. Thế nhưng, sau vài buổi tham dự, học viên dần nhận ra có nhiều đều bổ ích từ sự truyền dạy của các vị giảng viên, các giáo sư, tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Giảng viên đại học và tiểu thương cùng trao đổi, cọ xát ý kiến về thái độ ứng xử với khách hàng sao cho có văn hóa, giao tiếp thân thiện, thể hiện nếp sống văn minh, tránh nói thách, không cân - đo - đong - đếm thiếu… Thấu hiểu và chế ngự nhược điểm, phát huy ưu điểm, có nghĩa là tiểu thương đã tăng chất văn hóa và nâng cao được tính cạnh tranh. Về lâu dài việc buôn bán nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại do sự thuận tiện, hợp thị hiếu với người nội trợ mà các kênh phân phối khác khó sánh kịp.
Chị Huỳnh Thị Ngoãn - tiểu thương ở Long An, chia sẻ: “Xã hội ta ngày một văn minh, nhưng một số tiểu thương vẫn còn xài những lời ăn tiếng nói thiếu văn hóa, nhất là đối với khách hỏi giá mà không mua mở hàng. Tôi nhận thấy mình cũng cần tự điều chỉnh để việc buôn bán khấm khá hơn”.
Anh Lê Công Chánh, tiểu thương quận Phú Nhuận, cho rằng điều làm anh tâm đắc, ấn tượng nhất chính là kỹ năng đối xử với khách hàng sao cho có văn hóa, lịch sự, đó là cách giao tiếp thịnh tình để khách hàng tin tưởng và cảm thấy được tôn trọng hơn. Khi tiểu thương thể hiện được tính văn hóa trong giao tiếp, lịch thiệp, tôn trọng khách hàng thì khu vực buôn bán sẽ trở thành chợ văn hóa.
Cùng với “khu phố văn hóa”, “bưu điện văn hóa”, TP Hồ Chí Minh cũng chủ trương xây dựng mô hình “chợ văn hóa” trong giai đoạn hội nhập và phát triển để có thể góp phần cùng những kênh buôn bán khác cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ của nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam sắp tới.
Thời nay, việc trang bị kiến thức buôn bán văn minh - lịch sự - hiệu quả cho tiểu thương không chỉ cần thiết với tiểu thương mà còn là lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
Anh Bùi