Dù biết rằng “trong lúc tang gia bối rối có điều chi sơ sót xin niệm tình tha thứ”, nhưng ở đây chẳng bối rối chút nào. Họ tỉnh táo, hớn hở nữa là đằng khác.
Đám ma như đám cưới
Những năm gần đây, tại TPHCM thường có nhiều đám tang có cả nhóm ca sĩ chuyển giới đến múa lửa, xiếc, hát hò quậy tưng thâu đêm suốt sáng, làm phiền láng giềng. Mà phải chi những ca khúc của các ca sĩ chuyển giới liên quan đến tang lễ cũng tạm chấp nhận. Đằng này toàn là những bài não tình, yêu đương nhặng xị. Khách còn sửng sốt bởi chiêu khoe thân, thiếu vải của các ca sĩ. Bà con kéo đến xem đông đúc cứ y như ngày hội, tết. Đường kẹt xe vì sự hiếu kỳ của người tham gia giao thông. Ấy vậy mà cảnh sát khu vực, dân phòng vẫn thản nhiên trước hình ảnh xấu xí này.
Ngày càng có nhiều chiêu trò phản cảm trong các đám tang
Kiểu đám tang như thế đã tồn tại rất nhiều năm qua ở các thành thị lớn và người ta xem đó như là một văn hóa kiểu mới, chấp nhận. Nếu không tin, mọi người có thể vào trang chia sẻ You Tube và gõ từ khóa vào ô tìm kiếm “Đám ma vui”, “Múa lửa đám ma”… sẽ ra hàng ngàn clip chịu không thấu. Xét về tâm linh, một đám tang đậm chất bản sắc dân tộc sẽ giúp cho người chết ra đi thanh thản. Về phía chính quyền địa phương, cần chấn chỉnh những đám ma lố lăng gây phiền hàng xóm, để hình ảnh khó coi đó dần dần triệt tiêu.
ĐẶNG TRUNG THÀNH (quận Bình Tân, TPHCM)
Ma cười, cưới khóc?
Mùa cưới đi dự tiệc cưới họ hàng, thân tộc, hàng xóm là chuyện thường tình, nhưng mỗi lần đi là thêm một lần tôi lại phải khó chịu khi nhìn cách không ít thực khách “góp vui” cho cô dâu chú rể. Hát mừng cho tiệc cưới là tiết mục được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, tôi không hiểu các bạn nghĩ gì mà trong tiệc vui lại ê a, nức nở với Sang ngang, Đồi thông hai mộ, Màu tím pensée. Có bạn biết ca cổ thì lên lớp Phụng hoàng với Nửa đời hương phấn hay lớp Nam ai 8 câu trích trong vở cải lương Lan và Điệp.
Tôi cũng thường gặp trong đám tang những bài hát có tiết tấu nhanh, mạnh, rồi trò xiếc nuốt kiếm, múa mâm bàn, cho rắn chui vào mũi… được người đến “chia buồn” phấn khích vỗ tay, reo hò tán thưởng.
Thật tình mà nói, cách ứng xử văn minh lịch sự trong đám tiệc phải phù hợp trong từng tình huống. Trong tiệc cưới cần những bài hát vui tươi, chúc tụng mang ý nghĩa trăm năm hạnh phúc, đầu bạc răng long, sao lại mang những ca khúc tình yêu dang dở, chết chóc, xác bướm, cành lan khô, hai nấm mồ… Ngược lại, trong đám tang mà cứ có người nhảy cởn lên, hò hát, múa may quay cuồng, làm trò thì thật là phản cảm vô cùng.
Chỉ thị 27/CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được ban hành từ lâu, nhưng tư tưởng “phép vua thua lệ làng” trong người dân đã không ít, làm cho công tác quản lý của chính quyền địa phương từ thành phố, tỉnh, huyện cho tới xã, ấp nể nang, xuề xòa, chưa tích cực vận động thực hiện, nên những chuyện “ma cười, cưới khóc” đã làm lệch lạc chuẩn mực văn hóa người Việt.
NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)