Mới đây, báo chí đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama từ chức vì không thực hiện được cam kết di dời căn cứ quân sự Mỹ Futenma ở đảo Okinawa và vấp phải sự phản đối mãnh liệt của người dân. Ở Nhật Bản cũng như nhiều nước khác, việc từ chức được xem là chuyện bình thường. Họ quan niệm, trách nhiệm công việc của ai đến đâu thì phải làm tốt đến đó. Ai không đảm đương được hoặc để xảy ra những hậu quả, làm mất lòng dân thì vì lòng tự trọng, họ sẵn sàng xin từ chức. Và điều này đã trở thành một nét văn hóa - “văn hóa từ chức” - trong sinh hoạt chính trị của nhiều nước.
Thực ra, chuyện từ chức cũng được nhắc nhiều lần ở nước ta thời gian gần đây. Cách đây khá lâu, một đồng chí lãnh đạo ở một bộ xin từ chức vì liên đới trách nhiệm để xảy ra sai phạm. Ngay ở TPHCM, cũng có trường hợp tương tự. Người đứng đầu ở sở L. xin từ chức vì để cấp dưới sai phạm. Cách đây 5 năm, đồng chí Võ Văn Hoang, Chủ tịch UBND quận 9 - vị chủ tịch UBND quận đầu tiên của TPHCM, làm đơn xin từ chức vì thấy năng lực của mình hạn chế, không đủ sức đảm đương, gánh vác công việc được giao. Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đồng ý giải quyết nguyện vọng này và đánh giá cao ý thức trách nhiệm của đồng chí Võ Văn Hoang với dân, với sự nghiệp chung mà không tính toán, so đo.
Thực tế việc từ chức hiện vẫn chưa trở thành một thói quen trong hệ thống chính trị nước ta. Bởi thông thường, hễ cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ, hoặc có sai phạm thì tiến hành kiểm điểm, xử lý, sau đó được cấp trên chuyển đi nơi khác làm việc để họ có điều kiện rèn luyện và tiếp tục cống hiến. Giải pháp này thể hiện tính nhân văn trong sử dụng cán bộ nhưng lại không tạo được thói quen từ chức trong suy nghĩ cán bộ.
Nhân chuyện này, xin kể về chuyến đi làm việc của đoàn công tác Thành ủy TPHCM với một số Quận ủy, Đảng ủy tổng công ty để góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015. Tại đó, đoàn phát hiện một số đơn vị… quên kiểm điểm kết quả thực hiện các chương trình, công trình trọng điểm đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Tìm hiểu kỹ mới biết, rất nhiều chương trình, công trình trọng điểm không hoàn thành chỉ tiêu, thậm chí giậm chân tại chỗ.
Hỏi tại sao không đưa vào dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ để kiểm điểm, rút ra bài học kinh nghiệm thì có đồng chí lãnh đạo đơn vị đổ cho “trách nhiệm của lãnh đạo cũ, còn tôi mới về, không biết gì cả”; hoặc đổ thừa “tại khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nên dự án của quận không triển khai”… Nhiều cấp ủy, nhất là người đứng đầu cố tình che giấu khuyết điểm vì thấy mình thất hứa với dân, dễ “mất điểm” trước cấp trên, dễ mất phiếu trong đại hội và lo xa hơn, dễ bị quy trách nhiệm làm thiệt hại vật chất, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nên không có ý định từ chức.
Dường như khi nói đến từ chức là người ta cảm giác như một sự xúc phạm đến nhân phẩm, tư cách cá nhân, đến quyền lực đang nắm giữ, mà không hiểu rằng việc làm đó cần được xem là có lợi cho Đảng, cho dân và cho chính bản thân họ. Biết từ chức đúng lúc cũng là thể hiện văn hóa và cách ứng xử làm người.
TUẤN SƠN