Văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp

Chuyện cô trưởng phòng một công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam nghỉ việc, chuyển sang làm công ty mới, gởi mail cảm ơn đến tất cả khách hàng đã giúp đỡ mình trong thời gian công tác. Qua email đó, cô đã giới thiệu người mới kế nhiệm cho các đối tác. Thậm chí, cô này còn thể hiện mong muốn khách hàng cũng như đối tác hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ người kế nhiệm như đối với mình. Cách hành xử của cô trưởng phòng khiến đối tác, khách hàng yên tâm khi hợp tác với cán bộ, nhân viên như thế, thông qua đó cũng tín nhiệm công ty hơn.

Thế nhưng, lại có chuyện một nhân viên sau khi nghỉ việc lại nhắn tin cho tất cả khách hàng “tố cáo” sự gian dối của công ty. Để dẫn đến hành vi ứng xử như thế, chắc hẳn có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề cần phải được lên tiếng. Chẳng hạn, ở một ngân hàng có khẩu hiệu “dịch vụ từ trái tim” lại hành xử với nhân viên không hề… từ trái tim.

Khi một lãnh đạo cấp phó trong ngân hàng nộp đơn xin nghỉ việc để chuyển sang công tác ở đơn vị khác thì lập tức ngân hàng này moi móc đủ thứ việc, hòng “làm xấu hình ảnh” vị này. Và cuối cùng, ngân hàng chuyển vị này sang bộ phận xử lý nợ khiến anh… đi không được, ở không xong! Tiếp sau đó, một nữ giám đốc chi nhánh cũng của ngân hàng này nộp đơn xin nghỉ việc, thì lập tức bị lôi những hồ sơ vay vốn (mà chị đã bàn giao cho cán bộ khác trước đó) ra để bắt bẻ. Mặc dù những thiếu sót nhỏ mà ngân hàng đưa ra đã được xử lý xong, không gây thiệt hại, thế nhưng, ngân hàng vẫn cố tình làm khó nhằm cản trở sự nghiệp của người muốn ra đi.

Rõ ràng, với cách hành xử như cản trở, gây khó khăn, nhằm trù dập người khác như thế trở thành hành vi thiếu văn hóa trong kinh doanh. Với cách làm không “fair-play” như thế ở các doanh nghiệp, chắc hẳn không chỉ khiến doanh nghiệp có nhiều “đối thủ” ngay từ bên trong mà còn làm mất niềm tin từ phía đối tác, khách hàng khi chuyện bị rò rỉ ra bên ngoài.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục