Làm rõ và khẳng định các thành tựu văn học, triển vọng của văn học nước nhà qua 30 năm đồng hành tích cực trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, đồng thời nhìn lại những mặt hạn chế của văn học sau 30 năm đổi mới. Đó là nội dung được đưa ra tại tọa đàm “Văn học 30 năm đổi mới” do Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tọa đàm này cũng mở đầu các hoạt động có cùng chủ đề trong suốt năm 2016.
Một tác giả ký tặng sách tại Hội sách TPHCM năm 2016. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Văn nghệ sĩ tự “cởi trói”
Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ chia sẻ: Cuối năm 1987, tại Hà Nội, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cuộc gặp mặt lịch sử với gần 100 đại biểu văn nghệ sĩ. Tại buổi gặp mặt này, Tổng bí thư đã kêu gọi văn nghệ sĩ bằng tài năng và nhiệt huyết của mình hãy đồng hành cùng với Đảng, với dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Để khích lệ sự sáng tạo và giải tỏa mọi băn khoăn, ám ảnh văn nghệ sĩ bấy lâu nay, Tổng bí thư đã đưa ra khái niệm “cởi trói”, hàm ý rằng từ nay, văn nghệ sĩ thực sự được tự do trong lao động sáng tạo. Nhưng để được tự do, trước hết văn nghệ sĩ phải tự “cởi trói” cho mình, tự cứu mình trước... Từ thời điểm lịch sử đó đến nay, đất nước ta đã đi được một chặng đường dài trong sự nghiệp đổi mới. Những thành tựu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của sự nghiệp đổi mới là rất rõ rệt, trong một vài lĩnh vực khác cũng dễ nhìn thấy.
Theo nhà văn Khuất Quang Thụy, nhìn lại tiến trình văn học từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước Việt Nam được thống nhất một nhà tới nay chúng ta không mấy khó khăn để nhận ra sự trăn trở của giới văn nghệ để tìm đường đổi mới văn học nghệ thuật. Không phải chỉ tới khi Đảng kêu gọi đổi mới và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hô hào “cởi trói”, các nhà văn nghệ Việt Nam, bao gồm cả giới nghiên cứu lý luận văn nghệ mới thay đổi mà trước đó hàng chục năm, nhất là đầu năm 1980, trên diễn đàn và cả trong lao động sáng tạo, không ít văn nghệ sĩ dũng cảm đã mạnh dạn tự cứu mình. Nhiều sáng tác và cả những tư tưởng của họ thể hiện trên các diễn đàn công khai, đã vượt ra ngoài cái được xem là “khuôn khổ” của những tháng năm ấy. Có thể coi những sáng tác quan điểm đó là những làn gió khởi động cho tinh thần đổi mới trong giới văn học nghệ thuật. Đó cũng là những điều mà chúng ta có thể tự hào khi đã thực hiện được một phần thiên chức dự báo, đi trước mở đường của văn học nghệ thuật đổi mới với thời đại.
Cùng chung quan điểm này, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng cho rằng nếu trước đây người viết bị lệ thuộc, trói buộc bởi lý thuyết điển hình hóa thì trong giai đoạn đổi mới, nhà văn đã tự do, chủ động hơn với ngòi bút của mình. Đây cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt truyện ngắn, bút ký đánh đấu giai đoạn đầu đổi mới, tiền đổi mới.
Tiểu thuyết đang phát triển thiếu bền vững
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông Bùi Việt Thắng cho rằng sự phát triển của tiểu thuyết - một bộ phận quan trọng của nền văn học giai đoạn này không bền vững. Sau sự xuất hiện của một số tác phẩm được coi là đỉnh cao như Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma... thì sau đó, tiểu thuyết bắt đầu nguội dần. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các nhà viết tiểu thuyết thiếu đi căn cốt triết học - văn hóa. Người viết quá lạc hậu với cuộc sống vốn đang phát triển nhanh nhưng vô cùng phức tạp, muôn hình vạn trạng... Và dường như các tác giả đã đứng quá xa với “tâm bão” của cuộc sống nên họ lúng túng,
Tuy nhiên, nhà phê bình Nguyễn Hòa lại có cách nhìn khác khi cho rằng 10 năm gần đây, tiểu thuyết chạy theo thị hiếu, theo thời sự hơi nhiều.Nhìn nhận dấu ấn đổi mới của văn học dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhưng phần lớn các ý kiến đều cho rằng sự thay đổi trong đời sống kinh tế chính trị, thị hiếu của độc giả thay đổi đã tác động trực tiếp đến nhà văn, buộc nhà văn phải tự đổi mới, được xem là yếu tố quyết định tạo nên diện mạo văn học thời kỳ đổi mới. Song nhận diện nó thế nào thông qua hình thức phân kỳ hay qua hệ hình lại thuộc góc độ nghiên cứu của cá nhân mỗi nhà văn.
Kết thúc tọa đàm, nhà văn Khuất Quang Thụy một lần nữa nhấn mạnh: “Văn học thời kỳ đổi mới, dù thành công đến mức độ nào, dù còn hạn chế ở những khía cạnh nào, cũng không thể tách rời quy luật phát triển và tiếng trình lịch sử của cả nền văn học Việt Nam từ xưa tới nay, đồng thời không thể không đặt nó trong sự phát triển chung của văn hóa nhân loại. Những giá trị của nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam luôn phải được đặt trong hệ quy chiếu với nền văn hóa nhân loại, trong đó cố nhiên có cả những vấn đề tư tưởng và triết học”.
Buổi tọa đàm chỉ kéo dài trong một buổi sáng, đối tượng tham dự cũng có nhiều khu biệt, vì thế điều nhà văn Phong Lê mong muốn là đổi mới phải nói về thế hệ sinh sau năm 1975 và để họ tự nói về mình. Đây cũng được coi là sự khởi đầu đầy phong phú, gợi mở cho nhiều buổi hội thảo sâu hơn về đề tài này sẽ được tổ chức trong năm 2016.
MAI AN