Sáng 3-10, tại TPHCM đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo Khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) Trung ương tổ chức.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam... Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng nhiều nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 3 và 4-10.
Đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội
Với hơn 100 bài tham luận, ý kiến, cuộc hội thảo đã có được nguồn tư liệu đồ sộ của các ngành nghệ thuật, không chỉ có văn học, sân khấu, điện ảnh mà mỹ thuật, múa, ca nhạc, nhiếp ảnh, xiếc… đều phân tích tầm ảnh hưởng, vai trò tác động đến việc hình thành, phát triển nhân cách của con người.
Giàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Nêu ra thực tế xã hội Việt Nam trong 40 năm qua đã có những biến đổi, chuyển động cực kỳ sâu sắc; phong phú, phức tạp, nhanh chóng, GS-TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, cho rằng: 40 năm qua, kể từ năm 1975, có lẽ đã xuất hiện hai thế hệ mới ở Việt Nam. Song điều đáng mừng, tuy có những biến đổi nhưng về cơ bản, con người Việt Nam vẫn giữ được cốt cách, các giá trị truyền thống cốt lõi của mình, thủy chung với lý tưởng đã chọn, trụ vững trước những biến đổi của thế giới và tỉnh táo đi tới. Những giá trị này không phải là một lý thuyết, một công thức, một tư duy sách vở, mà là một thực tiễn, vì nếu không phải như vậy, làm gì có những thành tựu hiển nhiên được công nhận của 30 năm đổi mới. Chỉ có nhân dân như thế mới tạo ra được các thành tựu đổi mới.
GS-TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh: Văn học nghệ thuật chân chính luôn là người bạn đồng hành tin cậy, thân thiết của con người trong cuộc đời, trong cả quá trình hình thành, phát triển, định hình nhân cách. Vì thế, toàn xã hội, từ cá nhân đến gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cần phải hiểu biết và có nhiệt tình, có trình độ sử dụng, phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo nên sức mạnh tổng hợp tác động vào con người.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, vấn đề xây dựng nhân cách đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó văn học nghệ thuật (VHNT) đóng vai trò rất quan trọng nhưng không phải là duy nhất.
Môi trường văn hóa giữ vai trò rất quan trọng
Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung nhận xét rằng trong những nhân tố tác động tới sự phát triển nhân cách thì môi trường văn hóa có vai trò rất quan trọng. VHNT không làm nên nhân cách nhưng cùng với các nhân tố khác, nó giúp hình thành nên nhân cách của con người.
Đi vào chi tiết hơn, nhà thơ Văn Công Hùng nêu lên những sự kiện gây xôn xao dư luận thời gian qua như những hành động phản cảm của một số bạn trẻ đối với các di tích, những hành vi vô ý thức nơi công cộng… để nâng cao nhân cách thì phải biết xấu hổ, mà để biết xấu hổ thì phải đọc nhiều sách, tiếp xúc với các tác phẩm VHNT. Chỉ khi con người biết hành động mình làm là sai trái và xấu hổ với hành động đó thì mới mong có được sửa chữa, từ đó nâng cao nhân cách con người.
Ở góc độ nghệ thuật sân khấu, GS Hoàng Chương nêu rõ, đã bao thế hệ khán giả xúc động trước tình cảm bạn bè của Lưu Bình - Dương Lễ, thân phận con người của Đời cô Lựu hay tình chung thủy trong Thoại Khanh - Châu Tuấn… thậm chí cả với hài kịch tiếng cười cũng dùng để đả kích các thói hư tật xấu. Khán giả đến với các vở kịch để nhìn thấy cái xấu, cái sai, cái tốt, cái đúng đắn được thể hiện qua nghệ thuật để tự sửa mình khỏi cái xấu, để noi theo cái tốt đẹp, cao cả.
ThS Đào Lê Na (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) đưa ra những ví dụ về điện ảnh khi nhắc đến những bộ phim Việt gần đây. Như ở phim Tèo em, dù rằng chưa có giá trị cao về nghệ thuật, nhiều đoạn “hài nhạt”, nhưng tác phẩm vẫn chứa đựng giá trị nhân văn đầy xúc động về tình anh em. Hay như 49 ngày đầy rẫy các chi tiết vô lý nhưng vẫn thu hút khán giả bởi tư tưởng mà nó chuyển tải về giá trị của cuộc sống. Có thể nói, dù khán giả có khắt khe đến đâu thì những bộ phim giúp con người sống tốt hơn, hướng đến những điều tốt đẹp vẫn giành được thiện cảm của khán giả hơn.
Thế nhưng, dù có vai trò quan trọng thì VHNT trong nước hiện đang có nhiều vấn đề. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, người dân ngày nay không phải không đọc mà là không biết đọc gì khi thị trường vẫn còn quá nhiều sách xấu, sách nhảm. Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cũng thừa nhận, hàng năm số lượng sách chất lượng thấp, “vô thưởng vô phạt” chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số sách được xuất bản. Lĩnh vực điện ảnh vẫn còn sự xuất hiện của nhiều tác phẩm mang tính giật gân, câu khách, kích động bạo lực nhằm thu hút khán giả mà bỏ qua những giá trị nhân văn cốt lõi.
Đặt câu hỏi VHNT đóng vai như thế nào trong việc giáo dục con người, nhân cách con người, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cho rằng: Có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người, có thể dùng thiết chế văn hóa; dùng pháp luật, dùng giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức và kết hợp các nội dung đó với nhau. Trong các loại hình giáo dục đó, VHNT chiếm một vị trí đặc thù. Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, VHNT muốn tác động vào con người phải có chất lượng và hiệu quả, khắc phục nghiệp dư hóa, phải có sức chinh phục lòng người mạnh mẽ, sâu sắc và kết thành sức mạnh nội tâm, nâng cao tri thức, tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, khát vọng, đẩy lùi tham lam, ích kỷ, vô cảm, phát huy tính tích cực của cá nhân, tính tích cực của xã hội.
Thực tế, như đánh giá của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, việc xây dựng nhân cách thông qua VHNT là một vấn đề lớn mà một hay vài cuộc hội thảo cũng không thể giải quyết được. Thế nhưng, thông qua cuộc hội thảo quy tụ đông đảo giới học thuật, các nhà quản lý VHNT, những thực trạng, những vấn đề trong hoạt động VHNT, trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam đã hiện ra, nổi rõ lên. Từ đó, góp phần vào những hoạt động điều chỉnh, thay đổi cần thiết nhằm giúp VHNT thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống và nhân cách.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong: Lãnh đạo TPHCM luôn nỗ lực tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sĩ tiếp cận, thâm nhập, cảm nhận được và khơi nguồn sáng tạo, từ hoạt động lao động sản xuất, giúp nhau vượt khó, bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân... Bằng tài năng, tâm huyết của mình, giới văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm VHNT, với những khám phá phản ánh hiện thực có chiều sâu từ trong bản chất, cảm xúc với những hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, có sức truyền cảm để phục vụ nhân dân. Lãnh đạo TP chủ trương hỗ trợ tối đa để quảng bá các tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng, nghệ thuật đến với đông đảo quần chúng, đặc biệt là công nhân, nông dân, sinh viên học sinh, lực lượng vũ trang. |
TƯỜNG VY