Harry Potter bản tiếng Anh, phiên bản dành riêng cho một vở kịch, nội dung chưa ai biết thế nào… nhưng nhiều bạn trẻ xếp hàng dài đăng ký mua đã cho thấy sức hút của bộ sách này vẫn chưa nguội sau nhiều năm. Trong khi đó, văn học thiếu nhi trong nước qua nhiều năm vẫn chập chững mãi những bước đầu tiên.
Đi những bước đầu
Vừa qua tại TPHCM, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã kết hợp cùng Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng giới thiệu hai tác phẩm Mun ơi chạy đi và Những ngôi sao trên bầu trời thành phố.
Theo nhà thơ Quế Mai, mỗi tác phẩm có hoàn cảnh sáng tác khác nhau, như Mun ơi chạy đi là khi con nhỏ của tác giả xin mẹ nuôi chó, chị đã từ chối và đề nghị cùng con viết chung câu chuyện về một chú chó.
Tác phẩm còn lại xuất phát từ nhu cầu duy trì tiếng Việt cho con khi đang sống ở nước ngoài và hàng đêm tác giả đã kể cho con nghe những câu chuyện về làng quê Việt Nam. Chính những câu chuyện đó làm nền tảng để tác giả viết cuốn Những ngôi sao trên bầu trời thành phố.
Câu chuyện sáng tác cho thiếu nhi của nhà thơ Quế Mai có thể xem là ví dụ minh họa cho việc sáng tác cho thiếu nhi của các tác giả Việt hiện nay. Các sáng tác không phải được xây dựng trên nền tảng một kết cấu đầy đủ, một thế giới tưởng tượng trọn vẹn mà hầu hết đều là dựa trên những mảnh vụn ký ức của chính tác giả. Điển hình như tác phẩm Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Đó là tác phẩm hay, tái hiện tuổi thơ của một thế hệ đầy sống động. Thế nhưng, tuổi thơ đó là tuổi thơ của lịch sử và trở nên xa lạ với thiếu nhi hôm nay. Cũng như vậy, truyện tranh Cửa sổ của tác giả Tạ Huy Long cũng là một tác phẩm xuất sắc, từ tranh vẽ đến ý tưởng thể hiện khát khao thoát khỏi trói buộc, tự do. Đáng tiếc, tác phẩm cũng dựa trên hồi ức những năm tháng thời kỳ bao cấp, khi tác giả còn là một cậu bé, luôn bị nhốt ở nhà để mẹ đi làm.
Tại một cuộc hội thảo về sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức, khi nhắc đến sáng tác cho thiếu nhi, đại diện của một NXB thổ lộ: “Các cây bút chuyên nghiệp hay viết về tuổi thơ của chính họ, một tuổi thơ đã qua; còn các cây bút trẻ chỉ muốn viết về tương lai họ kỳ vọng, chẳng ai quan tâm đến bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay”.
Hiện đang thiếu những sáng tác văn học cho thiếu nhi
Nghịch lý sáng tác
Có một nghịch lý tồn tại rất lâu ở Việt Nam là lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi chưa bao giờ thực sự được coi trọng. Giải thưởng sáng tác cho thiếu nhi chỉ do các đơn vị làm sách tự tổ chức; giải tư nhân thì đến nay, trừ giải Sách hay có phần cho thiếu nhi, thì các giải chuyên ngành hầu như vắng mặt mảng sách này.
Gần đây, sách thiếu nhi cũng được quan tâm hơn với vài giải thưởng được trao nhưng rồi cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng cả với những người trong cuộc chứ không nói đến bạn đọc.
Ấy thế nhưng sách thiếu nhi lại là mảng sách lớn nhất của thị trường sách. Theo Cục Xuất bản, trong 10 năm trở lại đây, nếu các mảng sách khác liên tục trồi sụt thì sách thiếu nhi luôn vững vàng đứng ở vị trí thứ nhất. Sách thiếu nhi là dòng sách bán nhiều nhất, lợi nhuận cao nhất, được các đơn vị làm sách ưu ái nhất… thế nhưng miếng bánh lớn này lại đang thuộc về những tác giả nước ngoài, còn tác giả trong nước như những kẻ đứng ngoài cuộc.
Có rất nhiều lý do cho nghịch lý này, với các tác giả là sự mệt mỏi vì phải cạnh tranh với các tác phẩm nhập ngoại. Một nữ họa sĩ vẽ truyện tranh, từng là họa sĩ cho bộ Bu Bu nổi tiếng, tâm sự rằng chị đã sáng tác rất nhiều nhưng chẳng nơi nào nhận. Chị sẵn lòng hợp tác để hiệu chỉnh tác phẩm cho phù hợp hay đáp ứng các yêu cầu của đơn vị làm sách, nhưng họ không nhiệt tình nên người sáng tác cũng mệt mỏi bỏ cuộc. Lý do được cho là thay vì tốn kém đầu tư cho sáng tác trong nước thì đơn vị làm sách chỉ cần mua tác phẩm nước ngoài, đã hoàn thiện sẵn và chỉ cần dịch thuật, biên tập là xuất bản ngay, không tốn kém nhiều.
Về phía NXB thì than vốn đã eo hẹp, làm sách thiếu nhi nếu phải làm từ đầu rất tốn kém. Đơn vị tiềm lực kinh tế mạnh, sẵn lòng đầu tư thì lại than thở tác giả viết cho thiếu nhi rất bảo thủ, viết để giải phóng những hoài niệm cá nhân, việc chỉnh sửa theo hướng cho bạn đọc mới bị xem là phá hỏng hoài niệm nên rất khó để chấp nhận.
Trông người ngẫm đến ta
Ở Nga, xuất bản văn học thiếu nhi là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà nước, còn các nhà văn thì tâm nguyện một nguyên tắc sáng tác là: “Viết cho thiếu nhi cũng cần phải viết như cho người lớn, nhưng phải hay hơn”.
Ở Việt Nam hiện nay cũng không thiếu những tác giả vẫn đang nỗ lực sáng tác cho thiếu nhi, đó có khi là những cây bút lâu năm, lão luyện nhưng cũng có thể là những tác giả trẻ lần đầu sáng tác. Điểm chung giữa họ là lòng đam mê viết cho thiếu nhi, nhưng với thực tế khó khăn trong đầu tư sáng tác hiện nay, lòng đam mê đó không thể nuôi sống họ và họ đành phải đưa niềm đam mê trở thành một công việc phụ bên cạnh công việc chính để kiếm sống. Và với sự phân tâm đó, thật khó để có được những tác phẩm trọn vẹn, đầy đặn, đáp ứng nhu cầu vốn dĩ ngày càng cao của bạn đọc.
Có lẽ phải chờ cho đến khi có những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho sáng tác thiếu nhi thì văn học thiếu nhi Việt Nam mới thực sự đáp ứng được nhu cầu đọc của bạn đọc nhỏ tuổi. Còn nếu không, mảng sách này cứ mãi chập chững những bước đi đầu như hiện nay.
TƯỜNG VY