Cựu danh thủ Lê Văn Tiết

Vẫn không xa rời quả bóng nhựa

Vẫn không xa rời quả bóng nhựa ảnh 1
Lê Văn Tiết (bìa phải) cùng đoàn Bóng bàn miền Nam Việt Nam tham dự Asian Games lần thứ 3 tại Tokyo,Nhật Bản.

Nguyên quán ở Hóc Môn (Gia Định, nay thuộc TPHCM), danh thủ Lê Văn Tiết đến với quả bóng nhựa từ năm 10 tuổi do phụ thân là ông Lê Văn Gặp hướng dẫn.

Với cú đánh đột kích phản công, ông Tiết từng đoạt HCV đồng đội Asian Games lần thứ 3-1958 tại Tokyo - Nhật Bản, HCĐ đồng đội thế giới tại Dortmund (Đức), vô địch đơn nam giải Pháp mở rộng năm 1959.

Cũng trong năm này, ông Tiết được Liên đoàn Bóng bàn thế giới xếp hạng 6 còn danh thủ Mai Văn Hòa xếp hạng 12. Những năm sau, ông Tiết còn giành HCĐ đồng đội giải vô địch châu Á, HCĐ đôi nam Asian Games 1962...

Sau 12 năm (1978-1990) lần lượt huấn luyện cho VĐV quận Tân Bình và Công an nhân dân, ông Tiết lui về hướng dẫn cho các tay vợt phong trào các cơ quan, xí nghiệp hoặc tư gia.

Ngôi nhà của ông trên đường Nguyễn Sơn (Tân Phú), trước kia dùng làm CLB bóng bàn nay đã được ngăn đôi và cho thuê 1 căn. “6 trong số 7 người con đã lập gia đình và có công ăn việc làm nên thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng cũng đủ cho vợ chồng tôi sinh sống. Tuy vậy, hàng ngày tôi vẫn đi dạy bóng bàn tại tư gia và các cơ quan, xí nghiệp để giúp những người yêu thích bóng bàn nắm được các kỹ thuật, chiến thuật căn bản đồng thời cũng kiếm thêm chút tiền ăn sáng”, ông vui vẻ thổ lộ.

Vẫn không xa rời quả bóng nhựa ảnh 2
Cựu danh thủ Lê Văn Tiết bên những chiếc cúp vô địch.

Sắp bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Tiết vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và phấn khởi cho biết quyển sách “Lê Văn Tiết giúp bạn hoàn thiện kỹ năng bóng bàn” do ông biên soạn từ tâm huyết của mình đã xuất bản hồi tháng 2-2006 xem như một chút quà mọn dành tặng thế hệ trẻ.

Trong phòng khách trưng bày trang trọng những chiếc cúp, huy chương, giấy chứng nhận chiến công năm nào, ông tâm tình: “Từ 27-5-1958 - cái đêm mà các anh Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và tôi đoạt HCV đồng đội nam tại Á vận hội lần thứ 3 đến nay đã hơn 48 năm .

Lúc đó, mấy anh em chúng tôi ôm nhau vui mừng, còn trên khán đài, một nhóm Việt kiều không ngớt hô vang “Việt Nam, Việt Nam”. Trầm ngâm một chút, ông Tiết nói tiếp: “Nhiều lúc ngồi nhớ lại kẻ mất, người còn hoặc đang định cư ở tận trời Tây, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng quan trọng hơn, sau những ngày vang bóng đó, bóng bàn Việt Nam chựng lại quá lâu! Mong sao ngành TDTT có sự đầu tư thỏa đáng để bóng bàn nước ta sớm trở lại thời kỳ vàng son”.  

 HOÀNG THỊNH

Tin cùng chuyên mục