Không chỉ ở châu Á, Trung Mỹ hay Nam Mỹ, chuyện khai man tuổi ở các đội trẻ của bóng đá châu Phi trở thành hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng chẳng kém. Ở châu Phi, có câu chuyện “vui không nổi” rằng, khi hỏi tuổi một tài năng trẻ triển vọng, một du khách được nghe lời đáp: “Ông muốn hỏi tuổi khai sinh hay tuổi bóng đá?”.

Có nhiều nghi ngờ về tuổi của cầu thủ Mỹ gốc Ghana Adu.
Nhìn vóc dáng cũng như nét mặt của Freddie Adu, cầu thủ Mỹ gốc Ghana, không ai nghĩ rằng chàng trai này chỉ 14 hay 15 tuổi. Trước đó cũng có nhiều nghi ngờ về tuổi của ngôi sao Salomon Olembe (Cameroon). Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên George Chulumanda của Zambia hối thúc các cầu thủ trẻ bóng đá nước này nên ngừng trò gian lận: “Gian lận không có lợi cho sự phát triển bóng đá. Cầu thủ phải khai báo tuổi chính xác. Thật chẳng hay chút nào những cầu thủ quá 24 tuổi nhưng chỉ khai báo 19 tuổi để có thể thi đấu cho đội trẻ”.
Theo báo chí châu Phi, khá nhiều LĐBĐ ở đây đã bố trí một số cầu thủ 30 tuổi hoặc thậm chí hơn nữa thi đấu cho các đội U-20 hay U-23. Năm 2003, Chính phủ Kenya phải giải tán đội U-17 sau khi một số tuyển thủ thừa nhận khai man tuổi! Năm qua, đội Tanzania cũng bị ban tổ chức giải bóng trẻ châu Phi (diễn ra ở Gambia) trục xuất khỏi cuộc tranh tài sau khi họ phát hiện Nurdin Bakari gian lận tuổi ở vòng loại.
Cuộc điều tra cũng cho thấy hầu hết các cầu thủ ở đội U-17 Tanzania đều quá tuổi. Ngay cả những quốc gia có nền bóng đá phát triển như Nam Phi cũng gặp rắc rối chuyện này. LĐBĐ Nam Phi đã buộc tội Orlando Pirates, CLB hàng đầu của giải VĐ Nam Phi, làm hồ sơ giả về tuổi cho tiền vệ Bennedict Vilakazi. Gần đây, website newzimbabwe.com tiết lộ hai cầu thủ của giải ngoại hạng Zimbawe, Tinashe Nengomasha, 22 tuổi, và Nicholas Chazika, 20 tuổi đều giả mạo tuổi và cả họ tên.
Tại sao gian lận tuổi lại nở rộ đến vậy?
Ở nhiều quốc gia châu Phi, bóng đá là một trong những cách nhanh nhất thoát khỏi cảnh nghèo đói. Các CLB giàu có ở châu Âu thường chỉ quan tâm đến những tài năng trẻ bởi giá có thể mềm và hơn nữa, họ dễ dàng đào tạo theo phong cách của CLB.
Nhu cầu này đã dẫn đến các đội bóng địa phương tìm cách khai man tuổi của cầu thủ và đôi lúc các LĐ làm ngơ bởi xuất khẩu cầu thủ đem lại khoản lợi không nhỏ cho đất nước còn khó khăn của họ. Hơn nữa, LĐBĐ châu Phi (CFA) cũng ít nặng tay với những trường hợp bị phát hiện và kết quả gian lận tuổi là “chuyện thường ngày” tại đây…
Ngọc Quân