Hơn 1 năm rưỡi sau khi vụ làm độ trong trận Việt Nam - Myanmar tại SEA Games 23 bị phanh phui, và gần 3 tháng sau khi TAND TPHCM xét xử, hôm qua (18-3), Hội đồng kỷ luật của VFF đã đưa ra mức án kỷ luật nghề nghiệp đối với 6 cựu cầu thủ U23 VN là Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh.
- XỬ NẶNG VÌ CÓ NHIỀU “TÌ VẾT”
Trong cuộc họp hôm qua, 5 thành viên của Hội đồng kỷ luật do Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường làm Chủ tịch đã xem xét toàn bộ vụ việc, quá trình dẫn đến hành vi phạm tội của 6 cầu thủ Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh. Đồng thời trách nhiệm 2 trợ lý của ông Riedl ở đội U23 VN là ông Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường, cũng như hành vi “môi giới” của Trương Tấn Hải cũng được xem xét, chuẩn bị sẵn để tiến hành kỷ luật.

Cơ sở chính để Hội đồng kỷ luật của VFF luận tội và đưa ra án kỷ luật nghề nghiệp chính là bản công tố của TAND TPHCM đưa ra trong phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc tại SEA Games 23 hồi cuối tháng 12-2006. Ngoài ra, đối với từng cầu thủ, Hội đồng kỷ luật cũng tính đến những đóng góp, thành tích, huân chương, bằng khen... mà họ từng được khen thưởng nhờ cống hiến cho bóng đá VN trước khi nhúng chàm.
Với toàn bộ hồ sơ, chứng cứ của vụ việc, 6 cầu thủ U23 VN nhúng chàm tại SEA Games 23 bị chia làm 2 nhóm: Nặng gồm Văn Trương, Văn Quyến; Nhẹ gồm Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh. Nguyên do khiến Văn Quyến, Văn Trương bị xếp vào nhóm nặng là bởi 2 cầu thủ là những người chủ động tham gia cùng Quốc Vượng tiến hành vụ dàn xếp tỉ số trong trận gặp U23 Myanmar. Hơn thế nữa, cả Văn Quyến và Văn Trương đều được nhận định là có nhiều “tì vết”, chứ không chỉ đơn thuần tham gia vào vụ tiêu cực ở SEA Games 23. Trong khi đó, 4 cầu thủ Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh do phạm tội lần đầu, đạo đức tốt nên được cho vào khung hình phạt nhẹ hơn.
Theo khung hình phạt ban đầu, Văn Quyến và Văn Trương đối diện với mức án treo giò 5 năm. Tuy nhiên, sau khi “trừ hao” các đóng góp, thành tích của 2 cầu thủ này cho ĐTQG, thời gian 1,5 năm đã bị tạm treo giò sau khi vụ tiêu cực bị phanh phui cũng như chủ định “bán độ thắng”, Hội đồng kỷ luật VFF dự kiến treo giò 2 cầu thủ 4 năm kể từ ngày ký quyết định, phạt 5 triệu đồng và tước toàn bộ tiền thưởng mà họ được chia theo tiêu chuẩn ở SEA Games 23. Bốn cầu thủ Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh bị treo giò 3 năm, phạt 5 triệu đồng và tước toàn bộ tiền thưởng. Mức án kỷ luật nghề nghiệp đối với 6 cầu thủ U23 VN này sẽ chính thức được công bố vào hôm nay (19-3)
- 2 TRỢ LÝ CŨNG KHÔNG... “THOÁT”
Trong phiên xử sơ thẩm vụ án U23 VN bán độ tại SEA Games 23, TAND TPHCM nhận định, chưa cần xử lý hình sự đối với 2 trợ lý HLV đội U23 VN tại SEA Games 23 là Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường. Tuy nhiên, TAND TPHCM đã đề nghị VFF xem xét có hình thức kỷ luật nghề nghiệp đối với 2 trợ lý này do không làm tròn trách nhiệm đối với học trò, đặc biệt là “biết được tiêu cực nhưng không báo HLV trưởng Riedl để ngăn chặn”.
Chính vì vậy, trong phiên họp chiều qua của Hội đồng kỷ luật VFF, trách nhiệm của 2 trợ lý này cũng được đưa ra xem xét. Song, do chưa đủ bằng chứng xử lý, vì vậy Hội đồng kỷ luật VFF thống nhất yêu cầu 2 trợ lý Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường phải viết tường trình nộp lại VFF. Sau đó, dựa vào bản tường trình này, Hội đồng kỷ luật sẽ có hình phạt tương xứng bởi xét thấy 2 trợ lý này đã thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với tiền vệ Lê Quốc Vượng, hiện Hội đồng kỷ luật VFF chưa xem xét bởi cựu tiền vệ SLNA này là bị cáo duy nhất trong vụ án kháng án sơ thẩm. Do đó, sau khi Quốc Vượng được xét xử phúc thẩm, VFF có án phạt bổ sung. Song, do là kẻ chủ mưu trong vụ dàn xếp tỉ số nên chắc chắn Quốc Vượng khó thoát được án treo giò vĩnh viễn. Riêng “nhà môi giới” Trương Tấn Hải, do đã giã từ bóng đá nên VFF chỉ chuẩn bị sẵn biện pháp cấm cựu tiền đạo CSG này hoạt động bóng đá, sau khi Trương Tấn Hải thụ lý xong án 3 năm tù giam.
Gia Minh