Siết tín dụng bất động sản
Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, tác động trực diện đến bất động sản (BĐS). Theo đó, hệ số rủi ro của các khoản để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng cũng giảm từ 60% xuống 50%. Quy định này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường BĐS?
Ảnh hưởng phân khúc nhà cao cấp
Đối với sản phẩm nhà ở có tổng thanh toán trên dưới 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết thông tin siết tín dụng có gây tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, từ khi khai trương đầu năm sau tết, giao dịch vẫn thuận lợi, mỗi ngày có khoảng 20 giao dịch thành công. Nhìn chung, những năm qua việc kinh doanh BĐS có nhiều đổi thay, ngân hàng chỉ là một trong những kênh dẫn vốn chứ không phải như ngày xưa là lệ thuộc toàn bộ (nên mỗi lần thay đổi chính sách liên quan đến ngân hàng là tác động tức thì sâu sắc). Ngoài ra, các hình thức thanh toán cũng dễ thở hơn, có nhiều giải pháp cho khách hàng yếu về tài chính, như kéo giãn thời gian trả nợ, thanh toán 1% mỗi tháng…
Một khu cao ốc tại quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Trong khi đó, một doanh nghiệp là chủ đầu tư các sản phẩm BĐS cao cấp thì lại nhận xét là có khó khăn nhất định. Đó là, ngân hàng cắt giảm khoảng 20% tăng trưởng tín dụng vào BĐS, dự án “hơi bị co cụm”. Đối với dự án cũ triển khai kéo dài thì có lúng túng khi thu xếp tài chính; còn vốn cho dự án mới, hầu hết các chủ ngân hàng đều nói phải chờ đợi. Khách hàng vay tiền mua nhà ở cũng gặp khó khăn, chủ yếu là vay cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, nên hiểu rằng chính sách mới của NHNN là kiểm soát chứ không siết chặt, về lâu dài là tốt cho doanh nghiệp, khách hàng và cả nền kinh tế, bởi sẽ kiểm soát được nguồn cung, sức mua, tránh gãy đổ của thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận định rằng do thông tư ký ban hành từ tháng 6-2016, ngân hàng và doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị chứ không phải bất ngờ. Về việc hiện nay một số doanh nghiệp phản ánh bị ảnh hưởng là đúng, bởi các ngân hàng phải cắt giảm dần theo lộ trình nhằm đến đầu năm sau sẽ giảm tiếp như quy định. “Lo ngại lớn nhất là NHNN nên giữ lộ trình như Thông tư 06, nếu giảm đột ngột trước thời hạn sẽ gây tác hại khôn lường cho thị trường BĐS và nền kinh tế nói chung”, ông Châu nói.
Vẫn khuyến khích vay mua nhà để ở
Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết, thực hiện Thông tư 06, ngân hàng sẽ quản lý chặt chẽ hơn về việc rót vốn cho các dự án BĐS, tuân thủ đúng quy định của NHNN. Tuy nhiên, khoản vay đối với người mua nhà để ở, có thu nhập đảm bảo, đặc biệt là những căn hộ trị giá 1,5 tỷ đồng trở lại vẫn được tiếp cận vốn vay bình thường.
Một số ngân hàng vẫn đang đưa ra các gói tín dụng cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, Ngân hàng OCB đang triển khai gói cho vay 3.000 tỷ đồng, áp dụng đến hết 30-4-2017 để vay mua BĐS, vay sửa chữa nhà với lãi suất chỉ ở mức 5,99%/năm; cam kết thủ tục nhanh chóng để đảm bảo kịp thời nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng. Bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng ABBanK, cho biết nguyên năm 2017, ngân hàng triển khai gói cho vay kinh doanh, vay tiêu dùng, trong đó có vay mua nhà - đất với hạn mức 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,49% - 8,49%/năm. “Thông qua chương trình này, ABBanK không chỉ muốn hỗ trợ mạnh hơn nữa đối với khách hàng về nguồn vốn ưu đãi lãi suất, phục vụ các mục đích kinh doanh mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, khách hàng mua nhà để ở vẫn luôn được khuyến khích cho vay”, bà Hằng cho hay.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn, có trụ sở tại TPHCM cho biết, những dự án nhà ở mà ngân hàng đang thực hiện bảo lãnh vẫn đẩy mạnh cho vay vì trước đây đã thẩm định kỹ lưỡng. Trường hợp những người mua nhà là nhu cầu thật, để ở và thu nhập ổn định vẫn được giải ngân, vì đây là những khoản vay ít rủi ro. “Chúng tôi sẽ hạn chế rót vốn vào các dự án BĐS mà tiềm ẩn rủi ro, vay tiền ngân hàng để đầu cơ lướt sóng, đặc biệt là những dự án cao cấp, có giá trị lớn chắc chắn sẽ bị siết chặt hơn trong năm nay, để đảm bảo không phát sinh nợ xấu”, vị này cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, giao thông. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vẫn có rủi ro về thanh khoản, do đó, cần thực hiện đúng các quy định tại Thông tư 06 nhằm hạn chế rủi ro cũng như nợ xấu.
LƯƠNG THIỆN - HẠNH NHUNG