Đăng ký dự 32/43 nội dung,cử sang Thái gần 1.000 VĐV, tốn hơn 10 tỷ cho chuyến du hành này, thế nhưng chỉ tiêu phấn đấu của thể thao Việt Nam chỉ ở mức 60 HCV. Quá thấp so với tiềm năng thực của thể thao Việt Nam. Tại sao lại như thế?
Thích… giật lùi?!

Dù có nhiều khả năng, nhưng đội tuyển điền kinh vànhiều đội tuyển khác vẫn hạ thấp chỉ tiêu huy chuơngtại SEA Games sắp tới.
SEA Games 24, chủ nhà Thái Lan tuyên bố giữ lại từ 220-230 HCV trên tổng số 485 bộ huy chương. Dựa trên thực lực và ưu thế sân nhà (tính luôn cả sự ưu ái từ các trọng tài tại Đại hội), nhiệm vụ đó nằm trong tầm tay người Thái. Như vậy, vẫn còn lại khoảng 250 bộ huy chương nữa cho 10 nước khác trong khu vực tranh chấp. Mà Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines được coi là trội hơn cả.
Ngay khi BTC SEA Games 24 công bố chính thức số lượng bộ huy chương thì thể thao Việt Nam bắt đầu xuất hiện triệu chứng “ngại và sợ” đăng ký chỉ tiêu huy chương như một sự trốn tránh trách nhiệm.
Trong vòng một tháng, đoàn TTVN phải điều chỉnh tới hai lần chỉ tiêu huy chương, nếu như điều chỉnh tăng lên thì đáng mừng, đằng này, chỉ tiêu ấy lại sụt xuống thấy rõ khi nhiều trưởng bộ môn và HLV các đội tuyển kêu ca rằng không kham nổi! Hồi giữa tháng 6, số lượng 70 HCV đã được coi là thấp, tới đầu tháng 7, con số ấy đã giảm xuống còn… 59 HCV. Đấy là dựa theo số lượng đăng ký mới nhất từ 3 Trung tâm HLTTQG: Trung tâm 1 (47 HCV), Trung tâm 2 (10 HCV) và Trung tâm 3 (2 HCV).
Ngay cả khi ông Hoàng Vĩnh Giang - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 24 - lạc quan nói rằng: “Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào tốp 3 nếu giành được 60-70 HCV”, thì nhiều người vẫn tỏ ra thất vọng với cái chỉ tiêu… giật lùi ấy.
Đâu rồi những mỏ vàng?
Năm nay, ngoại trừ môn cờ Vua bị chủ nhà Thái Lan gạt khỏi vòng tranh chấp, những “mỏ vàng” bắn súng, Wushu, điền kinh, Pencak Silat, Taekwondo, TDDC vẫn còn nguyên đó, đủ sức giúp chúng ta vượt qua “mức xà” 59 HCV vừa đăng ký, nhưng tất cả đồng loạt hạ thấp chỉ tiêu.
Chẳng lẽ những môn thế mạnh này của chúng ta sa sút thê thảm đến vậy? Hoàn toàn không! Chỉ có một vài điều chỉnh về nhân sự. Còn lại, nguyên nhân chính là do các nhà chuyên môn nhát tay, sợ trách nhiệm nên không dám nghĩ tới mục tiêu cao. Bởi vậy, ngay từ đầu, Pencak Silat chỉ dám đăng ký 3 HCV ở 15 nội dung thi đấu, điền kinh chỉ dám hứa sẽ có 5 HCV, trong khi Wushu chỉ dám nghĩ tới 3 HCV…
Cách đây một tháng, HLV Trần Hải của tuyển Pencak Silat từng lý giải: “Thái Lan bỏ hơn một nửa bộ huy chương so với 2 năm trước đây. Từ 23 hạng cân đối kháng giờ chỉ còn 13, cộng thêm 2 nội dung biểu diễn quyền cho cả nam lẫn nữ. Như vậy, chúng tôi phải điều chỉnh chỉ tiêu cho thích hợp”.
Hai năm trước, Pencak Silat VN từng mang về 7 HCV khi góp mặt ở 8 trận chung kết. Chỉ tạm hài lòng với lý do chúng ta không tranh chấp nổi nội dung Seni cùng Indonesia, quê hương của môn võ này, chứ không thể hài lòng với cách “chưa vào trận đã làm nhụt chí binh sĩ” như vậy.
Đồng ý là ĐTQG đang trẻ hóa đội hình với 70% là những gương mặt mới. Nhưng đó đều là những võ sĩ hàng đầu hiện nay của Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…
Điền kinh cũng vậy, từ 8 HCV của 2 năm trước, giờ chỉ tiêu chỉ còn lại 5. Thiếu Lê Văn Dương ở cự ly 800m nam, 7 nhà vô địch vẫn còn nguyên: Vũ Thị Hương (100m nữ), Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao), Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng (cự ly trung bình), Nguyễn Thị Cúc, Vũ Văn Huyện (các môn phối hợp). Hương vừa lập KLQG ở giải Asian Grand Prix Series 2007 với thông số 11"47, Nhung vẫn là số 1 ở Đông Nam Á dù chỉ bay qua mức xà 1m88.
Trong khi đó, Thanh Hằng đang được kỳ vọng sẽ thay Đỗ Thị Bông để giữ HCV 800m nếu đàn chị không kịp bình phục chấn thương. Nguyễn Đình Cương mất HCV 1.500m vì đồng đội phạm luật ở SEA Games 23, nhưng khả năng lặp lại thành tích của anh vào cuối năm là rất lớn… Vậy tại sao không tin tưởng vào chính chúng ta?
Phó Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Trọng Hỷ cũng thất vọng khi nói trên một tờ báo chuyên ngành: “Cần phải rà soát lại hết, bởi hiện nay còn rất nhiều trưởng bộ môn, HLV trưởng thậm chí còn mang tâm lý tự ti, bỏ sót một số VĐV có triển vọng. Nếu chúng ta đặt chỉ tiêu không đúng chỗ sẽ dẫn đến việc chăm sóc VĐV không đúng”.
Lãnh đạo UBTDTT Việt Nam đã gây áp lực rất nhiều về thành tích đối với các đội tuyển, với kỳ vọng thể thao Việt Nam sẽ thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á để bay cao ở châu lục, thế giới. Nhưng có lẽ còn lâu chúng ta mới khá được, bởi chuyện “trên bảo, dưới không nghe” ngày càng trở nên phổ biến…
LÊ QUANG