Kiểm soát bức xạ

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn

Một số sự cố về mất an toàn bức xạ (ATBX) thời gian qua, và gần đây nhất là vụ sai sót trong việc đo chụp bức xạ tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất hồi tháng 3-2008, đã khiến dư luận không ít lo ngại. Mặc dù cách nay hơn 10 năm, Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ đã được ban hành nhưng từ thực tế sử dụng, đo chụp bức xạ như hiện nay cần nhìn nhận lại công tác kiểm soát ATBX.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn

Một số sự cố về mất an toàn bức xạ (ATBX) thời gian qua, và gần đây nhất là vụ sai sót trong việc đo chụp bức xạ tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất hồi tháng 3-2008, đã khiến dư luận không ít lo ngại. Mặc dù cách nay hơn 10 năm, Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ đã được ban hành nhưng từ thực tế sử dụng, đo chụp bức xạ như hiện nay cần nhìn nhận lại công tác kiểm soát ATBX.

  • “Sai sót” nối tiếp “sơ ý”!

Mới đây, sau khi có thông tin hàng chục công nhân tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) nhiễm xạ do không đảm bảo ATBX, đoàn thanh tra Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ - hạt nhân (KS-ATBX-HN) đã tiến hành thanh tra công tác đảm bảo ATBX tại dự án này, đồng thời làm rõ những tình tiết liên quan đến việc đo chụp bức xạ tại đây. Qua thanh tra, cơ quan chức năng cho rằng không có chuyện rò rỉ phóng xạ, nhưng khẳng định việc đo chụp bức xạ vừa qua tại dự án lọc dầu Dung Quất có sai sót, số liệu vượt mức so với quy định…

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn ảnh 1
Máy xạ trị được sử dụng phổ biến trong y tế, khám chữa bệnh. Ảnh: T.L.

Từ sự việc nói trên, có thể liên tưởng đến hàng loạt sự cố tương tự trước đó khiến không ít người dân hoang mang. Đó là vụ một công nhân đang làm việc trên giàn khoan tại cảng Hạ Lưu thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cơ khí hàng hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) “sơ ý” làm rơi nguyên liệu phóng xạ xảy ra cuối tháng 12-2007 vừa qua, khiến phải sơ tán khẩn cấp hơn 400 công nhân ra khỏi hiện trường.

Rồi vụ mất hộp phóng xạ phát tia Gamma dùng điều khiển xả clinke đáy lò tại Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) hồi tháng 7-2006, khi công ty này đang tiến hành sửa chữa thiết bị các dây chuyền sản xuất. Trước đó nữa, các cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận một số vụ thất thoát phóng xạ. Đó là năm 2003, Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung (tỉnh Hà Nam) đã bị mất nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động clinke; Viện Công nghệ xạ hiếm mất 54,8 mg chất phóng xạ …

Trên đây là những sự cố “đáng tiếc” đã xảy ra, nhưng trong thực tế hoạt động sử dụng phóng xạ, bức xạ thì sao? Một đợt thanh kiểm tra trong năm 2007 của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành tại 14 cơ sở bức xạ (6 cơ sở công nghiệp, 7 công ty vàng bạc, đá quý và 1 cơ sở nghiên cứu) trên địa bàn Hà Nội cho thấy, 4 cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký cấp phép như giấy phép quá thời hạn, không có giấy phép, cán bộ phụ trách ATBX chưa qua đào tạo về ATBX, chưa có đầy đủ biển cảnh báo, nội quy, quy trình an toàn bức xạ…

Bức xạ ion hóa được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu... Nhiều kỹ thuật bức xạ, hạt nhân là không thể thay thế và đã trở thành những công cụ, phương pháp hữu hiệu trong chẩn đoán và điều trị bệnh, bảo quản lương thực, thực phẩm, thăm dò và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà chúng đem lại, bức xạ ion hóa còn có thể gây ra những mối nguy hiểm lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Chính điều này làm cho vấn đề đảm bảo ATBX trở nên phức tạp và nó đòi hỏi phải có sự quan tâm, quản lý chặt chẽ. (TS Đặng Thanh Lương - Phó cục trưởng Cục KS-ATBXHN).

  • Gỡ cơ chế, nhưng còn nhân lực và thiết bị kém - làm sao?

Tổng kết hoạt động năm 2007, Cục KS-ATBX-HN cho rằng từ 2005 - 2007, công tác quản lý ATBX-HN đã phát triển cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và kỹ thuật, từng bước đáp ứng được những yêu cầu đặt ra cho một cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này.

Nhiều ý kiến cũng khẳng định, năm 2007 đánh dấu việc tháo gỡ được một số tồn tại trên tất cả các mặt công tác: pháp chế, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, đào tạo, tuyên truyền, hợp tác quốc tế, thanh sát, nghiên cứu khoa học và tăng cường tiềm lực về ATBX-HN. Cục đã thẩm định và ban hành hơn 550 giấy phép các loại, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2006 và đã triển khai việc khai báo hồ sơ, cấp phép qua mạng trong phạm vi cả nước. Trong năm 2007, cục đã tổ chức đào tạo về ATBX cho cán bộ các sở KH-CN, các nhân viên ATBX (53 lớp đào tạo cho gần 2.000 cán bộ quản lý, người phụ trách ATBX và nhân viên bức xạ của các cơ sở bức xạ). Ngoài ra, cục đã phối hợp với Trường Nghiệp vụ quản lý KH-CN tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 118 cán bộ đến từ 41 sở KH-CN. Công tác thanh kiểm tra cũng đã được tăng cường…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thực tế công tác kiểm soát ATBX-HN vẫn còn nhiều tồn tại đáng kể. Hiện nay việc đăng ký cấp phép cho các cơ sở X-quang y tế (chiếm khoảng 90% số cơ sở bức xạ) đã được phân cấp cho 64 tỉnh và thành phố, nhưng các cơ sở này nằm rải rác khắp nơi, trong đó có rất nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa. Phần lớn các cán bộ làm công tác quản lý ATBX ở các địa phương chưa được đào tạo chính quy về lĩnh vực này, đa phần là kiêm nhiệm và đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như TPHCM hiện chỉ có 2 cán bộ chuyên trách/300 cơ sở X-quang, Hà Nội cũng chỉ có 2 người/200 cơ sở… Vì vậy, chính những người có chức năng thẩm định, còn hạn chế kiến thức về kỹ thuật máy X-quang, kiến thức về bức xạ còn yếu nên khó có thể đảm bảo được tính chính xác, khoa học cần thiết trong việc thẩm định. Hầu hết các sở KH-CN không có đủ thiết bị để tiến hành thẩm định và thanh tra các cơ sở bức xạ. Nhiều cơ sở bức xạ chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị đo đạc bức xạ cũng như các trang thiết bị bảo hộ lao động. Các cơ sở làm dịch vụ ATBX còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về an toàn bức xạ.

  • Nâng cao năng lực kiểm soát

Từ thực tế hoạt động sử dụng, đo chụp bức xạ cũng như những sự cố gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã siết chặt hơn trong việc kiểm soát.

Nhiều văn bản pháp quy về KS-ATBX-HN đã được soạn thảo và ban hành làm nền tảng pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về KS-ATBX-HN. Cụ thể là đã có 15 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành (1 pháp lệnh, 2 nghị định, 2 thông tư và 10 tiêu chuẩn an toàn bức xạ). Hiện nay, Cục KS-ATBX-HN đã soạn thảo xong 5 thông tư và 11 tiêu chuẩn hướng dẫn về ATBX cho một số công việc bức xạ cụ thể.

Mặc dù hành lang pháp lý cơ bản dần hoàn thiện, nhưng đánh giá lại 10 năm thực hiện Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ, nhiều ý kiến băn khoăn về tính thực thi chưa cao. Không chỉ các cơ sở sử dụng bức xạ mà ngay cả cơ quan quản lý các địa phương vẫn chưa trang bị đủ kiến thức về ATBX. Nhiều cơ sở không phép, không đáp ứng các tiêu chuẩn về ATBX vẫn còn hoạt động, trình độ chuyên môn về ATBX chưa bài bản…

Trên vai trò cơ quan quản lý nhà nước, TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục KS-ATBX-HN, cho biết trong thời gian tới sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tin học hóa hệ thống quản lý hành chính, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, mở rộng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ an toàn, tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất của cơ quan quản lý nhà nước và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về ATBX-HN. Mục đích là nâng cao năng lực kiểm soát về mọi mặt không chỉ ở cấp cục mà ngay tại các địa phương.

Trong các cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cũng yêu cầu Cục KS-ATBX-HN phải kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở bức xạ, nâng cao năng lực, tiềm lực khoa học kỹ thuật để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực KS-ATBX-HN… Và để thực thi những nhiệm vụ này, ngoài nỗ lực tự tăng cường khả năng kiểm soát ATBX, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có những cơ chế hỗ trợ tích cực.

Theo các số liệu thống kê, ước tính cả nước có khoảng 1.600 cơ sở bức xạ, trên 2.200 máy phát tia X và 1.200 nguồn phóng xạ. Trong đó có 1 lò phản ứng công suất 500 KW, 4 cơ sở chiếu xạ công nghiệp và bán công nghiệp, 18 máy xạ trị ngoài (4 máy gia tốc, 14 nguồn cobalt), 24 cơ sở y học hạt nhân và nhiều nguồn phóng xạ khác đang được dùng trong công nghiệp, thăm dò khai thác khoáng sản, nghiên cứu...

VŨ BẰNG - VIỆT HOÀNG

Tin cùng chuyên mục