Vẫn tiếng trống Manolo

Manuel Cáceres Artesero (ảnh) ngồi lặng lẽ ở quầy bar, trong một quán rượu bé nhỏ ở vùng Gniewino, phía Bắc Ba Lan, gần trại tập trung của đội tuyển Tây Ban Nha. Người đi ra, kẻ đi vô hờ hững. Họ chỉ liếc nhìn người đàn ông ấy bởi chiếc mũ màu đỏ sặc sỡ. Nhưng ở thời điểm Euro này, ai mà chẳng giống nhau. Có gì đặc biệt đâu chứ.

Nhưng hôm nay, khi người đàn ông ấy đến sân vận động để xem trận Tây Ban Nha – Pháp, mọi người sẽ chào đón ông còn hơn cả một ngôi sao. Sẽ có hàng ngàn người xin được chụp ảnh chung bởi vì ông quá nổi tiếng. Đây đã là kỳ Euro thứ 7 (chưa kể 8 kỳ World Cup khác) của người đàn ông Tây Ban Nha ấy.

Manuel Cáceres Artesero còn được gọi là Manolo el del Bombo hay đơn giản là Manolo, tức người đàn ông với cái trống. Từ khán đài sân Mestalla của quê hương Valencia, Manolo đã là biểu tượng của lòng trung thành mà một CĐV bóng đá dành cho đội tuyển của mình.

3 thập niên qua, các cầu thủ Tây Ban Nha luôn nhìn thấy Manolo trên khán đài. Không có nhà tài trợ, hoàn toàn bỏ tiền túi, người đàn ông ấy đã dành hết mọi thứ cho bóng đá. Có một lần, khi trở về nhà sau giải đấu, vợ và con của ông đã rời xa. Manolo sống một mình, kinh doanh một quán rượu nhỏ gần sân Mestalla để kiếm tiền cho các cuộc phiêu lưu cùng đội bóng áo đỏ.

Mọi chuyện bắt đầu từ 40 năm trước, khi Manuel Cáceres Artesero đến vùng Huesca, nơi có truyền thống làm trống. Ông mua một cái và bắt đầu chơi nó. Trận đấu đầu tiên mà Manolo theo chân đội Tây Ban Nha ra nước ngoài là vào năm 1979 nhưng niềm say mê thực sự đến với ông tại kỳ World Cup 1982 tổ chức tại quê nhà. Thế giới biết về Manolo cũng từ đó.

“Bóng đá đã lấy của tôi mọi thứ. Gia đình, sự nghiệp, tiền bạc. Nhưng không có gì đánh đổi được tình yêu của tôi với đội tuyển. Số phận của tôi, cuộc đời của tôi là ở đó, với cái trống trên khán đài” - Manolo nói như vậy. Tại World Cup 2010, tiếng trống Manolo đã ngừng vang trên khán đài nhiều ngày. Lúc đó, ông đổ bệnh và bác sĩ đội tuyển Tây Ban Nha đã khuyên ông về nước chữa trị.

Manolo kể lại: “Tôi tưởng mình đã chết. Vậy mà cuối cùng cũng qua khỏi và ngay lập tức tôi trở lại Nam Phi để xem trận chung kết. Tôi thầm nhủ trong đầu, thà xem xong trận đấu đó rồi chết cũng được. Còn bây giờ, tôi vẫn ở đây, vẫn sẽ đi cùng đội bóng ở Euro lần này. Chỉ có cái chết mới chia lìa tôi và đội tuyển”.

Trương Anh (từ Ba Lan)

Tin cùng chuyên mục