Vào nửa đầu tháng 10-2014, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức một trại sáng tác văn học tại Vũng Tàu, trong đó diễn ra cuộc tọa đàm mini thú vị “Văn trẻ ý thức về sự khác biệt”.
Nhà thơ Phan Hoàng mở đầu tọa đàm, khái quát: Chưa bao giờ lực lượng viết văn trẻ xuất hiện đông đảo như hiện nay, đặc biệt là ở TPHCM. Mỗi người khi bắt đầu cầm bút đều viết bằng bản năng, sau đó mới tìm sự khác biệt cho con đường văn chương của mình. Tuy nhiên, không phải bạn văn nào cũng có ý thức tìm kiếm sự khác biệt mà chỉ loay hoay lặp lại những cái cũ, từ đề tài đến nghệ thuật biểu hiện. Lặp lại của người khác là điều bắt buộc phải tránh, lặp lại chính mình càng nhàm chán hơn.
Có không ít bạn viết, nhất là lĩnh vực thơ, cách thể hiện khá giống nhau, nếu gộp thơ của họ vào chung một tập, không để tên tác giả thì cứ ngỡ là do một tác giả viết. Ấy là nỗi đau của người cầm bút. Mỗi nhà văn cần ý thức tìm cho mình con đường sáng tạo riêng, không gian thẩm mỹ riêng và luôn luôn phải tự đổi mới, nâng tầm mình lên.
Nhà thơ Phan Hoàng (bìa phải) khái quát về văn trẻ tại tọa đàm.
Nhà thơ Ngô Liêm Khoan, tác giả của tập thơ mới Những tấm ván trên cầu Hiền Lương đang được dư luận quan tâm, cho rằng, nói đến sự khác biệt là nói tới ý thức về sự khác nhau trong lao động sáng tạo. Vì sao văn học Việt Nam vẫn chưa sánh được với những nền văn học lớn trên thế giới? Có lẽ chúng ta chưa tạo nên sự khác biệt, chưa xem văn học là một khoa học, chưa tích hợp được kinh nghiệm sáng tác từ những tác phẩm lớn để “phát minh” ra con đường mới cho mình. Văn trẻ chủ yếu chưa thoát những đề tài vụn vặt, chưa quan tâm đến những vấn đề mà đời sống xã hội đang đòi hỏi ở chúng ta.
Là tác giả trẻ vừa trình làng tập Thơ tình với Sài Gòn, nhà thơ Ngô Thị Hạnh chia sẻ, chị đến với thơ tự nhiên như đến với tình yêu. Với văn xuôi, sự lựa chọn dễ hơn, còn với thơ tìm được con đường riêng thật khó, đòi hỏi phải có cảm xúc, tức phải có tình cộng với tứ và tìm phương cách thể hiện. Những người làm thơ có thể viết giống nhau về đề tài nhưng phải khác nhau về cách thể hiện.
Nhà văn Nguyễn Hồng Lam thì thổ lộ, anh luôn tự vấn vì sao mình nhanh chán mình. Theo anh, các nhà văn thế hệ trước thiên về kể chuyện, còn các bạn văn sau này thì giảm kể chuyện nhưng viết rất lan man, chủ yếu nói về cá nhân mình, người đọc ít tìm thấy hình ảnh và sự đồng cảm của họ trong đó. Nhiều nhà văn nước ngoài viết về những đề tài giản dị nhưng đọc thấy hay và gần gũi, còn các nhà văn Việt Nam viết về đề tài nước mình nhưng đọc thấy xa lạ, đôi khi phản cảm. Anh từng theo đuổi đề tài giang hồ và viết dưới dạng ký sự vì anh quan tâm đến những số phận bên lề nhưng có cuộc sống đến tận cùng.
Là một gương mặt thơ tiêu biểu của Vũng Tàu thời gian gần đây, nhà thơ Vũ Thanh Hoa cảm nhận, các bạn thơ trẻ không phải ai cũng giống nhau. Hình thức chỉ là bề nổi, cái quan trọng là nội dung và cách thể hiện mới lạ để tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, có thể do hoàn cảnh sống, nhiều bạn thơ trẻ chỉ chợt lóe sáng rồi lịm tắt. Dù đề tài vụn vặt đời thường nhưng viết cho hay thì sẽ nâng thành tầm tư tưởng. Người viết phải tự trọng, biết xấu hổ khi viết giống nhau, nên phải tự đổi mới mình…
Nhà văn, nhà báo Tiểu Quyên nhìn nhận, chị từng nghe nhiều câu hỏi: Bạn bị ảnh hưởng bởi ai, phong cách sáng tác nào? Và chị không thích bạn văn trẻ nói: Tôi bị ảnh hưởng bởi nhà văn A, B, C mà mong câu trả lời: Có thể thích nhà văn này hay thần tượng nhà văn khác, nhưng khi viết, phong cách đó là của tôi, do tôi lựa chọn. Ở vai trò nhà báo, chị từng đề cập đến những vấn đề của văn chương trẻ, là cái tôi nhỏ bé, những trang viết na ná nhau, tản mạn cá nhân, thiếu lý tưởng và tầm vóc thời đại…
Nhưng ở góc độ người viết trẻ, chị thấu hiểu và sẻ chia với những giới hạn của họ. Có lúc văn trẻ bị đánh giá là “ăn xổi”, “nổi tiếng thời vụ” và rồi từ đó cứ bị đánh đồng rằng văn trẻ không có dấu ấn, không tạo được sức bật. Nói thế là không công bằng khi mạch ngầm sáng tạo vẫn âm ỉ và người trẻ đang dần nỗ lực khẳng định mình.
Còn theo nhà thơ Phan Trung Thành, điều quan trọng không chỉ là đề tài mà cần đầu tư cách thể hiện, từ trang viết đến việc xuất bản sách. Cầm tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của Ngô Liêm Khoan mới thấy tác giả đầu tư công phu như thế nào, từ hình thức đến nội dung. Viết về gió Tuy Hòa, gió miền Trung có nhiều nhà thơ đã viết nhưng khi đọc bản thảo tập Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng mới thấy rõ sự khác biệt, cái gió khắc nghiệt ấy ẩn chứa sâu sắc bao số phận con người và nỗi niềm lịch sử…
Các bậc đàn anh chẳng thể ngồi im lắng nghe như dự định ban đầu mà cũng đã góp tiếng nói vào cuộc tọa đàm “Văn trẻ ý thức về sự khác biệt”. Nhà thơ Phạm Minh Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng trước đây thơ thường mượt mà, trau chuốt, bóng bẩy đến nhàm chán. Chữ nghĩa giản dị, bình thường gắn với đời sống nhưng chuyển tải được những vấn đề có giá trị văn hóa. Ông nói rằng mình ủng hộ mọi hình thức thơ trẻ, nhưng điều quan trọng phải viết cho… tới, cho hay.
Nhà văn Trần Văn Tuấn vốn làm thơ trước khi viết văn. Theo ông, lý luận như rừng rậm, nếu người viết chưa có trải nghiệm sống thì khó nắm bắt được lý luận. Văn thơ chỉ có hay và không hay, giống như công nghệ thông tin chỉ có hai phần cứng và mềm. Có cái hay mà mọi người đều tôn vinh, như Truyện Kiều. Có cái hay theo từng đối tượng. Nhưng muốn hay thì phải trung thực với lòng mình, biến cái lạ thành quen. Văn chương cần có nghệ thuật khác biệt nhưng khác biệt đến cực đoan thì dễ rơi vào bế tắc. Những trò giả vờ chỉ có thể lừa vài người, chứ không thể tồn tại bền lâu.
HÀN PHONG