
* Tiếp tục khử trùng nơi phát sinh bệnh tiêu chảy cấp

Những quán cơm bên đường có đảm bảo vệ sinh trong mùa dịch tiêu chảy cấp? Ảnh: MAI HẢI
Chiều 12-4, dọc các tuyến đường tập trung nhiều quán thịt chó tại TPHCM, dân nhậu vẫn say sưa cụng ly với thịt chó mắm tôm. Ở hẻm “cầy tơ 7 món” 189 Cống Quỳnh, quận 1, chủ các quán hớn hở cho biết do là ngày thứ bảy nên khách đông hơn mọi hôm.
Khi được hỏi có biết bệnh tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả vừa xuất hiện ở TP hay không, họ đều làu bàu: “Dịch ở đâu chứ nhậu thịt chó mắc mớ gì dính dịch tả. Mà có vi khuẩn gì đi nữa thì cứ vài xị đế 45 độ cũng chết toi hết!”…
Khu vực hẻm 2A đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1 nổi tiếng xưa nay với thịt chó Hai Mơ, từ lúc 5 giờ chiều qua, không ngớt khách vô ra.
Một dân nhậu hồn nhiên cho biết chưa hề nghe bệnh tiêu chảy cấp xuất hiện ở TPHCM. Tại khu vực thịt chó gần đường ray xe lửa cắt ngang Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận, lắc lư bên đĩa thịt chó hấp rệu mỡ và chén mắm tôm lỏng bỏng sả ớt, một dân nhậu cho biết mấy ngày qua có đọc báo và biết ở phía Bắc có dịch tiêu chảy nhưng không quan tâm vì bác ta bảo “Tuần nào tôi chẳng 2 - 3 bữa chén thịt chó mắm tôm, lá mơ, có sao đâu. Khi nào bị bệnh rồi biết”.
Thực tế, dù chưa ghi nhận thịt chó mắm tôm gây tiêu chảy cấp trên địa bàn TPHCM nhưng theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, đó là những thực phẩm có nguy cơ gây bệnh cao, nên đã khuyến cáo người dân hạn chế tối đa sử dụng mắm tôm, lá mơ.
Cùng ngày, Viện Pasteur TPHCM cho biết đã tiếp tục lấy mẫu nước sinh hoạt, nước cống xung quanh khu vực phát sinh bệnh tiêu chảy cấp ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để xét nghiệm, tìm phẩy khuẩn tả.
Trước đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP và quận Thủ Đức cũng đã khử trùng tất cả giếng khoan ở khu vực nói trên. Bà Võ Thị Hằng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết đã đề nghị Chi nhánh Cấp nước Thủ Đức đặt bồn nước gần 10 khối tại khu vực nói trên để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Hiện nay, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thị Mơi đã bình ổn- qua cấy phân không còn phát hiện phẩy khuẩn tả. Riêng chị Lê Thị Nghiêm (con gái cụ Mơi) và ông Nguyễn Văn Phụng (chủ khu nhà trọ), vẫn được giám sát chặt chẽ, vì chị Nghiêm đã dương tính với phẩy khuẩn tả.
TƯỜNG LÂM