- Giá vàng trong nước tăng 150.000 đồng/lượng
Ngày 4-8, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 111/2011/TT-BTC áp thuế xuất khẩu 10% đối với các loại vàng trang sức có hàm lượng từ 80% trở lên (thay vì hàm lượng từ 99% như trước đó); đồng thời giá vàng trong nước và thế giới ngày càng thu hẹp khiến cho hầu hết các doanh nghiệp (DN) vàng đều không còn mặn mà với việc tái xuất vàng.
Với biểu thuế xuất khẩu mới, nhiều DN vàng trong nước đã chủ động bằng cách kéo dãn biên độ giá mua và giá bán để hạn chế khối lượng vàng giao dịch của nhà đầu tư nhằm tránh phải đối ứng. Theo đó, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC vào lúc 17 giờ 30 ngày 4-8 được niêm yết ở mức ở mức 41,27 triệu đồng/lượng mua vào và 41,35 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng thêm 150.000 đồng/lượng so với mức giá trước đó một ngày.
Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ), giá vàng miếng thần tài SBJ cuối ngày cũng có khoảng cách giữa giá mua và bán khá xa: 41,31 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,39 triệu đồng/lượng (bán ra).
Bên cạnh đó, cùng ngày giá vàng thế giới chỉ biến động nhẹ và tăng 3 USD/ounce, lên 1.633,8 USD/ounce. Với mức giá này sau khi quy đổi hiện giá vàng thế giới chỉ còn cao hơn giá vàng trong nước 50.000 đồng/lượng nên nhà đầu tư cũng không mấy hào hứng mua vàng. Theo đó, khối lượng vàng giao dịch tại các hệ thống cửa hàng SJC, SBJ và PNJ–DAB… đều giảm mạnh.
Cùng với PNJ, nhờ hiệu quả của việc kéo dãn biên độ mua bán nên cùng ngày khối lượng vàng giao dịch tại hệ thống của hàng SBJ cũng giảm mạnh, khối lượng vàng giao dịch trên toàn hệ thống tính đến cuối ngày chỉ đạt 600 lượng, giảm hơn 40% so với trước đó. Trong đó lượng vàng mua vào gần như cân bằng với lượng vàng bán ra nên đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết là không có nhu cầu đối ứng vàng.
Theo Bộ Tài chính, biểu thuế suất mới đối với vàng có hàm lượng trên 80% là nhằm hạn chế tình trạng “chảy máu” vàng nguyên liệu, gây bất ổn đến kinh tế vĩ mô. Chính vì thế ngoài việc áp thuế, hiện bộ cũng xem xét tăng cường nghiệp vụ hải quan bằng cách giám định chất lượng của vàng trang sức với các DN có lô hàng xuất khẩu lớn, không thường xuyên và kiểm tra hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến nguồn hàng… Theo đó, văn bản mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 6-8.
Theo đại diện của Hiệp hội Kinh doanh vàng và các DN kinh doanh vàng lớn, việc áp thuế suất mới sẽ gây khó khăn cho DN xuất khẩu vàng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), đơn vị xuất khẩu vàng nữ trang lớn nhất hiện nay cho biết, với mức thuế vừa được Bộ Tài chính ban hành, việc xuất khẩu vàng có hàm lượng vàng trên 80% chịu thuế 10% thì DN không thể nào xuất được vì không hiệu quả. Không những thế hiện nay với mức giá khá cân bằng và sức mua vàng trong nước cũng không cao nên DN không còn cần xuất vàng bằng mọi cách như trước nữa.
Mai Thi
- Tiền giả thu giữ giảm 24%
Ngày 4-8, Ngân hàng Nhà nước cho biết lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2011 giảm 24% so với cùng kỳ năm 2010 và giảm 60% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, tiền giả tiền polymer chiếm 97%, bị làm giả chủ yếu là tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng (chiếm 44%) và 100.000 đồng (chiếm 28%).
Đến nay, các loại tiền giả polymer đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng, hoặc đơn giản là có thể kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc (tiền giả làm bằng chất liệu ni lông, dễ bai, giãn hoặc rách). Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng không nắm được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể là nạn nhân tiềm tàng của tội phạm về tiền giả.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị người tiêu dùng nên nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để giảm thiểu rủi ro nhận phải tiền giả. Các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo thông tin về tiền Việt Nam trên website của Ngân hàng Nhà nước: http://www.sbv.gov.vn, chuyên mục Tiền Việt Nam.
B.Minh