Công trình không phép tại chùa Hương: Phớt lờ Luật Di sản văn hóa

Phục vụ lễ hội nhưng phớt lờ Luật Di sản văn hóa
Công trình không phép tại chùa Hương: Phớt lờ Luật Di sản văn hóa

Sau khi báo chí lên tiếng về công trình có kiến trúc lạ, không phép ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Sở VH-TT Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi UBND TP Hà Nội trong đó nói rõ công trình trên được xây dựng chưa phép nằm trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh Hương Sơn đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Phục vụ lễ hội nhưng phớt lờ Luật Di sản văn hóa

Theo giải trình của UBND huyện Mỹ Đức do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu ký, lý do xây dựng nhà “Hương nghiêm pháp đường” - chùa Thiên Trù thuộc khu di tích thắng cảnh Hương Sơn là vì những năm qua số lượng khách đến chùa Hương ngày càng tăng, nhà chùa không có nơi để cho tăng ni, phật tử và những người phục vụ ăn ở, sinh hoạt những mùa lễ hội. Với nhu cầu thực sự cần thiết và cấp bách nhằm phục vụ và tổ chức lễ hội tốt hơn, năm 2011, Ban xây dựng chùa Hương (nhà chùa) đã tiến hành xây dựng nhà 2 tầng mái, diện tích khoảng 400m2 tại vị trí cũ và công năng sử dụng như cũ để phục vụ nhu cầu trên, nên chưa hoàn chỉnh quy trình xây dựng trình cấp có thẩm quyền...

Công trình xây dựng không phép ở chùa Hương

Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, hiện nay đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý khu danh thắng này vẫn đang  dừng lại ở việc chỉ đạo Ban xây dựng chùa Hương tổng hợp hồ sơ việc xây dựng theo quy định.

Theo cách lý giải trên, có thể hiểu mục đích của công trình là phục vụ, tổ chức tốt lễ hội, song cũng không thể vì thế mà phớt lờ Luật Di sản văn hóa, để một công trình tồn tại không phép suốt 4 năm (từ năm 2011 đến nay) mà nếu không bị phát hiện thì có lẽ vẫn tiếp tục ở tình trạng “chưa hoàn chỉnh quy trình” như hiện nay. Vì sao đến thời điểm này UBND huyện Mỹ Đức vẫn chưa có “động thái” xác định rõ trách nhiệm của mình khi để xảy ra việc một công trình xây dựng đồ sộ không phép nằm ngay trong khu vực bảo vệ Khu di tích, thắng cảnh quốc gia Hương Sơn? Theo quy định, nếu nhà chùa có đơn đề nghị UBND huyện Mỹ Đức được xây dựng, cải tạo dãy nhà cấp 4 bị xuống cấp làm nơi cho tăng ni, phật tử và những người phục vụ ăn ở, sinh hoạt trong những mùa lễ hội thì UBND huyện cần phải có văn bản báo cáo UBND thành phố, sở, ngành chức năng thể hiện rõ ý kiến với đề nghị của nhà chùa. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ có văn bản xin ý kiến đồng ý chủ trương lập dự án và thỏa thuận dự án của Bộ VH-TT-DL. Nhưng quy trình đã không được UBND huyện Mỹ Đức thực hiện nghiêm túc.

Cần tôn trọng và thực thi đúng pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn bày tỏ: “Tôi không bàn về mặt kiến trúc bởi việc đó dành cho các nhà chuyên môn đánh giá, song dưới góc độ thực thi pháp luật thì cần nói rõ, chùa Hương là khu di tích thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia. Do đó, di tích này cũng được khoanh vùng khu vực bảo vệ 1, 2. Tôi cũng rất tôn trọng nhà chùa, những người thực thi đời sống tôn giáo ở địa phương. Nhưng nhà chùa cũng phải tôn trọng pháp luật! Thêm nữa, việc này lại diễn ra ngay giữa thủ đô Hà Nội”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương là như thế nào? Và rộng hơn là trách nhiệm của thành phố như thế nào trên cả góc độ văn hóa và góc độ xây dựng? Lâu nay, đã xảy ra một số trường hợp vi phạm nhưng dường như việc xử lý chỉ hướng tất cả “chịu đựng” về phía người làm sai mà không có những chế tài đối với những cơ quan quản lý nhà nước mà không thực thi đúng trách nhiệm của mình. “Đương nhiên, người làm sai phải trả giá rất đắt về vật chất, về uy tín nhưng đã đến lúc quan tâm tới chế tài đối với những cơ quan chưa làm tròn trách nhiệm”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa - GS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, dù là công trình to hay nhỏ nhưng xây trong khu vực của di tích mà không có thỏa thuận với Bộ VH-TT-DL theo đúng luật định thì đều phạm pháp. Thêm nữa, phân tích về công năng của tòa nhà này, GS Trần Lâm Biền bức xúc: “Ai cho phép tùy tiện ăn ngủ trong khu vực trung tâm của di tích? Cần xử lý nghiêm để làm gương thực thi pháp luật đối với tất cả các di sản văn hóa. Có như vậy mới bảo vệ được truyền thống văn hóa của tổ tiên”


MAI AN 

Tin cùng chuyên mục