Văn nghệ ở quán cóc Sài Gòn

Cái quán cóc ấy là quán nhậu, lọt thỏm trong con hẻm nhỏ. Có điều nó nằm ngay chạc ba của hẻm, nên tự nhiên được cái địa thế khá dễ thương.

Đó là nơi tụ họp của cánh xe ôm, chú ba gác máy, mấy chị bán hàng rau cải buổi sáng ở chợ hẻm và hùng hậu nhất là đội quân bán vé số từ khắp các tỉnh, thành - toàn những người lao động nghèo. Dăm cái bàn nhỏ, khách lai rai nhưng lúc nào cũng rôm rả. Cái quán nhỏ xíu mà đông vui, xôm tụ ấy không bày biện nhiều mồi màng. Chủ quán và khách nhậu coi nhau như người thân, chủ thuộc vanh vách tánh ý và sở thích của từng người. Anh chị Năm vé số người thì mấy xị rượu đế, người thì Sài Gòn xanh. Chú Bảy chống nạng và nhóm bạn bao giờ cũng là Sài Gòn đỏ. Cánh ba gác cũng là tín đồ Sài Gòn đỏ, nhưng hôm nào trúng mánh thì được nâng cấp lên Tiger. Khách bình dân nên mồi cũng đơn giản, một mâm khô đủ các loại, vài chục trứng gà, mì gói, bún gạo, rau cải… để sẵn trong tủ lạnh. Có khi, khách nhậu còn thoải mái xách theo mồi nhậu của mình, ngồi uống một vài chai cho… dễ ngủ. Cũng quá quen nên chuyện khách không đủ tiền, chủ quán cho thiếu nợ cả tuần mới trả là chuyện thường ngày.

Minh họa: P.K

Cuối tuần, anh Tư ở hẻm trong xách theo cây đờn giúp vui. Nghe bolero được mấy bài, khách bỗng yêu cầu vọng cổ. Anh Ba lùn vé số dân Phú Yên phát pháo đầu tiên với bài vọng cổ kinh điển. “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm cô không gặp ớ ơ ờ…tìm cô không gặp, tôi gối đầu mỗi… đêm”. Ngừng một chút để nhấp ly rượu, anh vỗ đùi một cái để lấy hơi, rồi xuống câu vọng cổ ngọt xớt làm cả quán vỗ tay rần rần. Không khí trong quán đã bắt đầu nóng lên. Chị Tư Ù bán rau đâu dễ gì chịu ngồi im. Không thèm giới thiệu dài dòng, chị lập tức đáp lời bằng mấy câu ngâm: “Tiệc rượu đêm nay chưa tàn cuộc/ Sao Sơn ca đành vội vã ra đi/ Hãy ở lại nơi đây chia nhau vài mẩu chuyện/ Rồi sáng mai đây mỗi đứa một con đường. Có gì vướng bận nhau đâu? Chia sớt chút thương sầu, của lần đầu tiên mình gặp gỡ...” Anh xe ôm giờ mới lên tiếng, không ai ngờ anh lại có thể thuộc và song ca với chị Tư Ù cả trích đoạn vở cải lương huyền thoại. Chị Tư Ù vẻ mặt hớn hở khi được khách nhậu khen chị giọng chắc, hơi khỏe, ca vừa ngọt vừa mùi nên đua nhau phỏng vấn tới tấp. Vẻ bẽn lẽn, giọng chị Tư chân tình: “Tui ở Vũng Tàu nhưng gốc là dân Tiền Giang. Quê tui cũng là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nên vọng cổ cải lương thấm sẵn trong máu từ nhỏ rồi. Mang tiếng dân miền Tây mà không biết ca cải lương, mà không có câu vọng cổ nào lận lưng, người ta cười cho!” Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chị Tư Ù ngẫu hứng ca tặng khách nhậu hâm mộ nhiều bài bản độc đáo, từ Văn thiên tường, Lý con sáo, Nam ai đến Phụng hoàng, Mạnh Lệ Quân.

Đêm càng về khuya, những giọng ca càng đậm đà, mượt mà dẫu chỉ là ca chay, bởi ít người biết chơi đờn guitar phím lõm. Mà cũng lạ, rượu uống mà dường như chẳng ai say, càng uống những giọng ca nghiệp dư càng làm say lòng khách. Giới lao động bình dân, người có thu nhập thấp cũng có những thú tiêu khiển theo cách của mình, thật dễ thương và dung dị. Có chăng, họ chỉ say khung cảnh, say lời ca tiếng hát, say cái tính cách hào sảng, phóng khoáng của Sài Gòn - TPHCM, của Nam bộ và say cả tình người. Bữa nhậu quán cóc khỏi phải nói trở nên đình đám không kém gì tiệc ở nhà hàng sang trọng, khách ai nấy vui hả hê, mà mỗi người chỉ tốn chưa tới trăm ngàn đồng.

Nơi quán nhỏ, hẻm nhỏ giữa chốn Sài Gòn phồn hoa, họ - những người xa lạ, đủ các giọng nói, đến từ khắp vùng miền trong cả nước, cùng gặp trong cuộc mưu sinh để rồi quen nhau. Những câu hát lời ca khiến họ càng thêm gần gũi, chan chứa ân tình. Đấy là cái ân tình của những người cùng xa xứ, tha phương kiếm sống nơi đất lành Sài Gòn. Và thật tình cờ, vài câu vọng cổ - di sản của đất và người phương Nam, nay đã là di sản của thế giới - đã trở thành cầu nối để họ gần gụi và yêu thương nhau. Giọng ca đôi lúc còn non, bài bản dẫu còn nhiều chệch choạc nhưng thật lạ, tất cả lại như hòa quyện vào nhau, thấm đẫm tình người.

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục