Để nói về chiến thắng của Mo Farah khi anh này lập được kỳ công là giành tấm HCV trong cự ly chạy 10.000m nam môn điền kinh ở Olympic Rio de Janeiro 2016, có thể miêu tả đó là một câu chuyện đầy sắc màu với những yếu tố thăng trầm, có kịch tính đầy đủ. Đã có lúc anh vấp ngã, nhưng anh đã nhanh chóng đứng dậy, sải những bước chân thần thánh để gia nhập lại tốp đầu, trước khi vượt lên phía trước và bảo vệ thành công tấm HCV trong nội dung thi đấu sở trường. Sau Sir Bradley Wiggins, người Anh lại có thêm điều tự hào để kể về Olympic 2016.
Trong khi đang tăng tốc ở khúc cua, bước chạy của Farah đã vướng vào chân của người đồng đội tập cùng là Galen Rupp (người cũng đã thắng HCB nội dung 10.000m ở Olympic London 2012). Tuy nhiên, ngay thời điểm người hâm mộ còn chưa kịp lo lắng cho tình trạng của anh, VĐV chạy đường trường gốc Kenya đã vụt đứng dậy và tiếp tục thi đấu. Anh cho thấy, cú ngã là một phần không thể thiếu trong bất kỳ cuộc đua nào, là một phần của thể thao, của các VĐV như anh. Và điều quan trọng nhất không phải là ngồi đó, hay nằm đó, xuýt xoa rơi nước mắt vì đau đớn, mà phải phản ứng cấp kỳ, gượng đứng dậy, tiếp tục sải bước không biết mệt mỏi. Farah đã phải hầu như bắt đầu lại từ đầu, khi anh trở thành người chạy cuối cùng trong nhóm thi đấu đợt chạy chung kết, để rồi anh lần lượt vượt qua từng đối thủ, và vượt lên dẫn đầu khi còn cách đích đến khoảng 1.000m. Kể từ thời điểm đó, Farah đã nắm chắc tấm HCV.
Niềm vui của Mo Farah.
Anh đã giành chiến thắng với thành tích 27’05”17, HCB thuộc về Paul Tanui (Kenya, 27’05”64), còn HCĐ thuộc về Tamirat Tola (Ethiopia, 27’06”26). Trong khi đó, đồng đội tập cùng người Mỹ của Farah, anh Ruup, chỉ giành vị trí hạng 5 chung cuộc với thành tích 27’08”92.
Dù thành tích của Farah kém rất xa kỷ lục Olympic 27’01”17 mà Kenesia Bekele (Ethiopia) thiết lập tại Olympic Beijing 2008, càng không thể so sánh nổi với KLTG do chính Bekele sở hữu là 26’17”53. Tuy nhiên, kỷ lục hay thành tích nhanh nhất chưa bao giờ là mục tiêu tối thượng của Farah, với anh, anh chỉ mong giành huy chương, đặc biệt là HCV, cho làng thể thao Anh quốc. Farah - người sẽ trở thành VĐV đầu tiên bảo vệ thành công “cú đúp” HCV trong 2 cự ly 5.000m và 10.000m nếu thắng ở cự ly 5.000m sắp diễn ra. Kể từ thời của Lasse Viren ở các kỳ Thế vận hội Munich 1972 và Montreal 1976 - cho biết: “Tôi là chàng trai thích giành huy chương cho nước nhà hơn là tạo ra những thành tích nhanh nhất. Điều đó khiến tôi tiếp tục thắng các tấm huy chương đầy ý nghĩa cho tổ quốc, và khiến cả người dân nước nhà cảm thấy tự hào”.
Farah đã trở thành VĐV điền kinh Anh đầu tiên thắng 3 tấm HCV ở đấu trường Olympic. Nếu giành chiến thắng trong cự ly chạy 5.000m, anh sẽ có tấm HCV thứ 4. Giá trị của Farah đang được chính giới truyền thông Anh quốc nhìn nhận khi họ từng xem thường anh, một phần vì gốc gác, xuất thân của anh không phải thuần chất Anh. Nhưng anh đang chiến đấu cho ai, và như những gì anh đã nói, anh đang làm cho ai cảm thấy tự hào? Farah, cùng với Wiggins, hay cả VĐV bơi lội Adam Peaty, đã và đang dốc sức chiến đấu vì lá cờ Anh quốc, “anh hùng không hỏi xuất xứ”, mà hãy nhìn sâu vào những gì họ đang làm.
VĐV 33 tuổi hạnh phúc nói về cảm xúc của mình trên đường chạy, sau khi giành chiến thắng và cả khi vừa ngã xuống: “Khi tôi vượt qua đích đến, tôi nghĩ rằng: “Ồ Chúa ơi, như thế này đây”. Đơn giản, tôi đã đứng dậy, cố bám lấy những VĐV ở phía trước, giữ gìn sự mạnh mẽ. Không bao giờ là dễ dàng, nhưng mọi người biết những gì mà tôi có thể làm. Khi ngã xuống, tôi thoáng nghĩ về tất cả những tập luyện cực khổ, tất cả có thể bay biến chỉ trong 1 phút, tôi không thể để mọi thứ mất đi. Tôi đứng dậy rất nhanh. Tôi đã nghĩ về gia đình của mình. Điều đó khiến tôi thêm mạnh mẽ để tiến lên”.
ĐỖ HOÀNG