Sau 3 năm phát triển, Muay – môn võ vốn quen thuộc với tên gọi “quyền Thái” (xuất xứ từ Thái Lan) đã phát triển mạnh tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2011, Muay Việt Nam lại tiếp tục tỏa sáng ở sân chơi thế giới. Người hâm mộ đang mong chờ một “đại lộ” thênh thang song hành cùng với sự phát triển của bộ môn này…
Chiếc đai vô địch bán chuyên nghiệp
Sau khi giành được 2 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ tại giải vô địch Muay nghiệp dư thế giới lần thứ 8 (từ 12 đến 17-3 tại Ayutthaya – Thái Lan), đội tuyển Muay VN tiếp tục tranh đai vô địch tại giải vô địch Muay bán chuyên nghiệp thế giới được tổ chức từ ngày 20 đến 24-3 tại Trung tâm Thương mại MBK (Bangkok – Thái Lan). Muay VN lại gây bất ngờ khi có tới 3 võ sĩ lọt đến vòng bán kết. Trong đó, HCV thế giới 2010, á quân VĐTG Muay nghiệp dư Phan Thị Ngọc Linh (-57kg) đã xuất sắc lọt vào chung kết và hạ đo ván đối thủ bằng đòn đánh gối tuyệt đẹp để giành chiếc đai vô địch bán chuyên đầu tiên cho Muay VN.
Sinh năm 1987 trong một gia đình gồm 3 chị em gái tại thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), con đường đến với võ thuật của Phan Thị Ngọc Linh khá bất ngờ, khi trước đó cô chỉ là VĐV môn… điền kinh.
Ngọc Linh kể rằng khi còn là học sinh lớp 7, cô từng là VĐV 2 năm liền giành ngôi vô địch cho Trường THPT Nguyễn Chí Thanh ở nội dung Đẩy tạ giải Hội khỏe Phù Đổng 2004, 2005 của tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, Ngọc Linh trúng tuyển vào khóa 28 Trường ĐH TDTT TPHCM chuyên sâu môn điền kinh. Khi đang học năm thứ 2 (năm 2007), được bạn bè động viên, Ngọc Linh bắt đầu làm quen với võ thuật cổ truyền tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 – QK7.
Chỉ sau 2 năm luyện tập cơ bản từ đường quyền cho đến thế cước, Ngọc Linh đã mang về cho đội tuyển võ cổ truyền Quân đội tấm HCĐ (hạng -57kg) tại giải vô địch quốc gia năm 2008 tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Với lưng vốn võ thuật kha khá, đầu năm 2009, Ngọc Linh bắt đầu làm quen với môn võ thuật cổ truyền của người Thái – Muay, để chuẩn bị tham dự các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng trong năm 2009 của thể thao Việt Nam. Với chuyến tập huấn ngắn hạn tại một số lò đào tạo Muay tại Bangkok, Ngọc Linh đã ra mắt ấn tượng khi giành được tấm HCĐ tại Đại hội võ thuật châu Á lần 1-2009 (Bangkok).
4 tháng sau, Ngọc Linh tiếp tục tỏa sáng để giành thêm HCB cho Đoàn TTVN tại SEA Games 25 khi để thua điểm đáng tiếc trước võ sĩ chủ nhà trong trận chung kết. Một năm sau, dù không bảo vệ được ngôi vô địch ở giải nghiệp dư do trọng tài quá thiên vị tay đấm chủ nhà trong trận chung kết, nhưng với chiếc đai vô địch bán chuyên nghiệp, Ngọc Linh đã đi vào lịch sử của Muay Việt Nam.
Cơ hội phát triển
Với việc Việt Nam chính thức gia nhập vào tổ chức của Liên đoàn Muay thế giới với sự tham gia của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là một bệ phóng tốt để Muay Việt Nam có cơ hội phát triển. Vì vậy, có ý kiến cho rằng ngành thể thao VN nên có cái nhìn thoáng hơn với bộ môn này, trước mắt tạo điều kiện để phát huy tối đa công tác xã hội hóa để bắt nhịp sớm với bè bạn quốc tế. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Vụ trưởng Vụ TTTTC, ở cấp độ trong nước, với sự hấp dẫn không thua kém môn quyền Anh, Muay rất dễ có được sự xã hội hóa cao mà không dựa vào kinh phí đầu tư của ngành TDTT. Nếu Muay trở thành môn thi đấu chính thức tại các ĐH thể thao lớn, gần nhất là Asiad 17, thì cơ hội mà các võ sĩ Muay Việt Nam tiếp cận huy chương là hoàn toàn khả thi.
Tin vui với người hâm mộ môn Muay Thai khi các tay đấm nam, nữ mạnh nhất của TPHCM sẽ có dịp thượng đài tại giải Muay tranh đai vô địch quốc tế Việt Nam mở rộng được tổ chức tại khu du lịch biển Ninh Thuận vào đêm 15-4. Dự kiến Muay TPHCM sẽ tham dự 4 võ sĩ (3 nam). Ngoài 4 cặp đấu nghiệp dư trên, ban tổ chức sẽ tổ chức thi đấu 2 trận chuyên nghiệp giữa các tay đấm của Thái Lan nhằm cống hiến cho khán giả nét đẹp và sự hấp dẫn của môn võ thuật này. Nếu thành công, mô hình giải đấu này sẽ được nhân rộng để phục vụ người hâm mộ cũng như góp phần đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của môn võ thuật hấp dẫn này.
Hà Huy Tường