Cuối năm Âm lịch là thời điểm nhiều người có nhu cầu sắm sửa, tiêu dùng nên các ngân hàng bắt đầu tăng cường quảng bá những chương trình cho vay tiêu dùng. Nhưng với áp lực lãi suất thỏa thuận vẫn trên ngưỡng 20% -24%/năm, hiếm có khách hàng nào dám sử dụng vốn vay cho mục đích tiêu dùng cuối năm.
Lãi suất cao
Ngân hàng SeABank vừa đưa ra chương trình cam kết trả lời ngay cho mọi khoản vay tiêu dùng trong một ngày và không phạt trả nợ trước hạn đối với các khoản vay từ nay cho đến cuối tháng 1. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không phải ở mức thấp, dao động từ 18% - 19% đối với vay tín chấp và từ 19% - 20% đối với vay thế chấp.
DaiA Bank cũng vừa triển khai chương trình cho vay thấu chi, với hạn mức vốn cấp cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 10 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn thiếu hụt tạm thời mà không cần làm thủ tục vay bổ sung vốn lưu động. Còn đối với khách hàng cá nhân, mức thấu chi của DaiA Bank cao nhất là 3 tháng lương với số tiền nhiều nhất 100 triệu đồng, thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, để có được nguồn vốn thấu chi từ ngân hàng này, khách hàng cá nhân phải trả mức lãi suất lên tới 20%/năm; còn với doanh nghiệp là 18,8%/năm.
Các ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ cũng có các chương trình ưu đãi cho khách hàng vay tiêu dùng, như HSBC tặng 1 triệu đồng cho khách hàng đăng ký vay mua nhà, tặng 200.000 đồng cho khách hàng vay mua xe. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng nước ngoài cao hơn ngân hàng trong nước, như vay tín chấp tại HSBC hiện có lãi suất lên đến 24%/năm tính trên dư nợ giảm dần.
Giải thích việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thời điểm đầu năm mới, đại diện HDBank cho biết sang năm mới, các ngân hàng đã có hạn mức tăng trưởng tín dụng mới nên bắt đầu đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng. Thêm vào đó, một số ngân hàng đã hoàn thành việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng nên nhu cầu tăng tín dụng cũng tăng cao. Tuy nhiên, có thể thấy với lãi suất cao áp dụng đối với khách hàng cá nhân được triển khai ở hầu hết các ngân hàng, khách hàng cần vốn tiêu dùng cuối năm không thể sử dụng vốn vay cho mục đích mua sắm…
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM, cho vay lĩnh vực phi sản xuất của các ngân hàng trên địa bàn TP chiếm trên 20% tổng dư nợ, trong đó tính đến 31-10-2010, dư nợ cho vay phục vụ đời sống là 33.424 tỷ đồng, chiếm 4,97% tổng dư nợ. Đây là tỷ lệ khiêm tốn so với thị trường như TPHCM. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB, cho biết, nguyên nhân khiến khách hàng cá nhân ngại sử dụng vốn vay ngân hàng cho mục đích tiêu dùng cuối năm là do áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận. Hiện lãi suất cho vay thỏa thuận ACB áp dụng đối với khách hàng cá nhân dao động 18%-19%/năm. Đây được xem là mức lãi suất cho vay đối với cá nhân tương đối cạnh tranh trên thị trường hiện nay, song tăng trưởng dư nợ cá nhân tại ACB vẫn chậm. Một giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân của Eximbank cho biết lãi suất cho vay tiêu dùng khoảng 17%-18,5%/năm nhưng ngân hàng vẫn khó tăng trưởng được tín dụng tiêu dùng.
Kéo dài thời hạn trả nợ
Theo một chuyên gia kinh tế, so với giai đoạn giữa năm 2010, hiện các ngân hàng đã thông thoáng hơn trong việc triển khai tín dụng tiêu dùng cá nhân, với hạn mức vốn cấp cũng cao hơn và thời hạn trả nợ kéo dài lên đến 15 - 20 năm. Điều kiện được cấp tín dụng cũng nới lỏng. Tuy nhiên lãi suất cao là rào cản chính khiến tín dụng tiêu dùng khó tăng trưởng. Trong bối cảnh kiểm soát lạm phát hiện nay, hạn chế cho vay tiêu dùng là điều hợp lý. Nhưng nếu kéo dài tình trạng này các ngân hàng sẽ khó khăn trong việc ôm vốn giá cao do huy động trước đó. Dự đoán của các chuyên gia, nhiều khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ chỉ được điều chỉnh theo hướng giảm kể từ sau quý 2-2011 vì khi đó nhu cầu vốn cá nhân sẽ tăng, khi lạm phát được kiểm soát xuống mức phù hợp. Còn trong quý 1-2011, các ngân hàng thương mại sẽ vẫn khó tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần, cho vay tiêu dùng chỉ khá trong 3 quý đầu năm 2010, còn quý 4 chựng lại do vài ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, cộng thêm lãi suất cho vay tăng nên ít người chấp nhận vay. Hiện nay cũng không nhiều người mặn mà vay tiêu dùng vì lãi suất vẫn còn cao. Ngân hàng dù có muốn hạ lãi suất cũng không được vì đối với các khoản vay tiêu dùng, chi phí vốn đối với ngân hàng khá cao do các khoản vay này thường là trung và dài hạn và có rủi ro cao hơn, vì vậy, lãi suất không thể thấp hơn được. |
Anh Tú