VĐV cử tạ khuyết tật Linh Phượng - Cô nàng khảm tranh “ghép” vào lịch sử

Vô tư lấy đồng thế giới 

Tính tình luôn lạc quan vô tư, ít ai biết rằng lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng, người đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách là nữ VĐV khuyết tật đầu tiên giành huy chương Paralympic, phải trải qua cuộc sống thiếu hơi ấm cha mẹ từ khi lọt lòng và đi làm công việc khảm tranh.

Vô tư lấy đồng thế giới 

Chỉ 2 ngày sau khi lực sĩ Lê Văn Công gây chấn động thế giới với chiếc HCV đầu tiên tại Paralympic cho đoàn thể thao người khuyết tật (NKT) Việt Nam tiếp tục đón tin vui bất ngờ khi Đặng Thị Linh Phượng mang về chiếc HCĐ nội dung 50kg nữ với thành tích 102kg.

Ấy vậy mà khi được hỏi về cảm xúc của mình sau thành tích ấn tượng ấy, VĐV quê TPHCM tỏ ra vô tư: “Thật ra tôi xem đấu trường Paralympic cũng giống như các giải đấu khác. Tôi nghĩ đơn giản nó hơn người ta ở chỗ 4 năm tổ chức một lần. Lúc giành HCĐ tôi cũng không sung sướng lắm vì hơi tiếc là nếu mình đẩy được 104kg ở lượt 3 thì có luôn HCB rồi. Sau đó nghe thầy và đồng đội chúc mừng, nói rằng chiếc huy chương này của mình đã là một thành công thì tôi mới thấy vui”.

Điềm tĩnh với chiếc HCĐ thế giới.

Linh Phượng chuẩn bị thi đấu tại Paralympic 2016   Ảnh: T.L

Có lẽ chính sự vô tư có phần “ngây ngô” ấy, Linh Phượng đã không chịu bất kỳ một áp lực tâm lý nào trước nhiều đối thủ cực mạnh. Tuy vậy, chiếc huy chương lịch sử tại Paralympic này không phải là kỷ niệm ấn tượng nhất với cử tạ mà Phượng khắc cốt ghi tâm.

“Tôi nhớ nhất là lần đi SEA Games Indonesia năm 2011, chỉ chưa đầy 1 năm khi tôi bắt đầu tập môn thể thao này. Lúc đó tôi đoạt HCV. Cầm chiếc huy chương mà chưa bao giờ mình dám nghĩ đến, cả số tiền thưởng lớn nhất đời mình đến lúc đó sẽ có được, tôi đã khóc rất nhiều”.

Nếu có ai đó biết về Linh Phượng sẽ hiểu được vì sao cô lại khóc nhiều như vậy. Đó là cảm xúc nghẹn ngào của một người từ khi lọt lòng đã thiếu đi vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Sức mạnh từ thể thao  

Bất hạnh bị dị tật từ khi lọt lòng, cô bé Linh Phượng còn đối mặt với chuyện phải trở thành trẻ mồ côi khi cha mẹ cô đem con vào cô nhi viện vì gia đình quá khó khăn. May mắn thay bà nội Linh Phượng vừa thương, vừa tội cho đứa cháu gái duy nhất lúc đó nên xin lại về nuôi. Kể từ đó, thay vì sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ như bao đứa trẻ khác, Linh Phượng gần như chỉ có tình thương của bà nội.
“Lúc bé tôi có tình cờ được xem những VĐV khuyết tật thi đấu thể thao trên tivi, tôi thấy khâm phục lắm và cũng nghĩ đến bản thân mình. Vì vậy mà dù sớm nhận thấy sự khác biệt của mình so với nhiều đứa trẻ khác nhưng tôi cũng không thấy mặc cảm. Lúc đó tôi còn ước muốn được chơi thể thao nhưng không có cơ hội” cô nhớ lại.

Sau khi được một người cô trong xóm dạy học bổ túc hết lớp 5, Linh Phượng xin nghỉ phụ giúp bà nội. “Lúc đó có một công ty thủ công mỹ nghệ nhận người khuyết tật vào làm công việc khảm tranh, tôi liền xin vào. Tuy mỗi tháng chỉ được vài trăm ngàn nhưng có tiền phụ bà mình và không phải làm kẻ vô dụng là tôi vui lắm rồi” - Nữ lực sỹ sinh năm 1983 chia sẻ.

Tuy nhiên chỉ một thời gian, công ty này chuyển về một nơi khác khá xa nhà. Do không có phương tiện đi lại, Phượng đành nghỉ việc. Tưởng chừng  như cuộc sống của cô phải trải qua tháng ngày nhàm chán, quẩn quanh ở nhà thì bất ngờ và cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời đến với Linh Phượng. Cô bảo: “Lúc đó công ty cũ mở chi nhánh gần nhà. Tôi liền xin vào làm lại. Làm được vài ngày thì một người làm chung giới thiệu tôi sang Tân Bình tập thể thao. Có phần bỡ ngỡ nhưng giống như mơ ước được tiếp xúc với thể thao từ bé giờ lại có cơ hội. Tôi đi ngay”.

Thời gian đầu đến với cử tạ, cô gặp vô vàn khó khăn. Không chỉ phải đối mặt với những cơn đau cơ kéo dài suốt nhiều tháng liền, Linh Phượng còn quần quật với việc sáng sớm ra phải đi làm. Chiều làm về tranh thủ cơm nước rồi lại chạy xe suốt hơn 1 giờ đồng hồ đến nơi tập luyện. Tập xong lại chạy xe về nhà để hôm sau đi làm tiếp. Mặc dù vậy, cô không nản chí vì coi thể thao là nơi giúp mình thoát những suy nghĩ về gia đình, về nỗi nhớ với người bà đã mất lúc cô ngoài 20 tuổi.

Mơ ước đổi màu huy chương Paralympic

Cử tạ đối với Linh Phượng không đơn thuần là một môn thể thao mang đến vinh quang, cuộc sống tốt hơn mà còn là nơi giúp cô gửi gắm những tâm tình của cuộc đời.

“Nếu không làm gì tôi thường hay suy nghĩ nhiều. Đặc biệt là cuộc sống một mình sau khi bà tôi mất. Thể thao giúp đầu óc tôi thoải mái hơn. Tôi luôn thích cuộc sống lạc quan và đơn giản. Tôi suy nghĩ rằng nếu đầu óc mình thoải mái thì làm gì cũng hiệu quả”.

Khi được hỏi về việc sử dụng số tiền thưởng sẽ nhận được tại Paralympic với chiếc HCĐ vừa đoạt được, cô cho biết: “Tôi cũng chưa nghĩ đến. Chắc là để dành thôi. Giờ trong đầu tôi chỉ có cử tạ. Làm thế nào để thi đấu tốt hơn nữa. Tôi mong muốn sẽ đổi màu huy chương của mình tại Paralympic 2020”.

Thành công đến với Linh Phượng cũng mang trở lại cho cô nhiều tình cảm quý giá nhất là về phía gia đình.

“Em trai rất hay theo dõi tôi thi đấu. Em ấy là một trong những người đầu tiên chúc mừng sau khi tôi giành HCĐ Paralympic. Tôi cũng được cha mẹ mình gọi điện chúc mừng”- Linh Phượng chia sẻ.

Nếu có điều gì đó để Linh Phượng mơ ước ngoài thể thao, cô gái 33 tuổi cho biết mình cũng mong ước sẽ có được một mái ấm gia đình bên chồng và con cái trong tương lai như bao người phụ nữ khác.

THÁI KIÊN

Tin cùng chuyên mục