Đó là khẳng định của ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Trưởng Ban biên tập dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) khi trao đổi với PV Báo SGGP.
° Phóng viên: Thưa ông, với rất nhiều nội dung được đề nghị sửa đổi khá căn bản, đơn cử như việc bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới hay luật hóa việc ly thân… có ý kiến e ngại dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình - HNGĐ (sửa đổi) có thể gây ra những cú “sốc” văn hóa. Ông có bình luận gì?
° Ông DƯƠNG ĐĂNG HUỆ: Tôi không nghĩ thế. Thực tế đang có việc người đồng giới chung sống với nhau, thậm chí tổ chức lễ kết hôn công khai. Chúng ta phải có giải pháp để xử lý những vấn đề đang nảy sinh từ thực tiễn như vậy. Xử lý tốt thì không có cú sốc nào cả, cả về văn hóa lẫn xã hội nói chung.
° Liệu quy định mới có làm nảy sinh cách hiểu sai lầm là việc làm đó được khuyến khích?
° Không có chuyện khuyến khích! 2 người đàn ông hay 2 người phụ nữ bình thường chẳng ai lại đi cưới nhau chỉ vì “pháp luật không cấm”! Tôi cho rằng đó không phải vấn đề đáng lo, không nên sợ người ta lạm dụng. Chuyện mang thai hộ cũng là một ví dụ. Việc nhờ người khác mang thai hộ chỉ là bất đắc dĩ và nên cho phép vì lý do nhân đạo. Nhưng để tránh lạm dụng thì phải có cơ chế, quy định rõ điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ cũng như việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con; quyền, nghĩa vụ với đứa trẻ được mang thai và sinh ra. Tức là trao cho người ta quyền nhưng phải đảm bảo để quyền đó không bị lợi dụng.
° Nhưng nếu không cấm và cũng không thừa nhận thì pháp luật chưa thực sự dứt khoát, thưa ông?
° Trên thế giới hiện chỉ có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép hôn nhân đồng giới; riêng ở châu Á chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới. Phần còn lại có những nước nghiêm cấm, thậm chí trừng phạt những người vi phạm. Có nước dù không thừa nhận chính thức nhưng cũng không can thiệp về mặt hành chính. Có những nước cho phép người đồng giới đăng ký sống chung theo hình thức dân sự, có cuộc sống gia đình bình thường nhưng về mặt pháp lý vẫn không thừa nhận. Ở Việt Nam, hiện tại người đồng giới vẫn được chung sống, nhà nước không can thiệp hành chính. Quan điểm của tôi là không “cấm”. Chúng ta chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới ở thời điểm này nhưng phải có giải pháp để họ có môi trường pháp lý khi sống chung và xử lý được các hậu quả phát sinh từ việc sống chung đó.
° Vấn đề phân chia tài sản và sống ly thân cũng là chế định rất mới trong dự thảo, thưa ông?
° Đúng. Và như tôi đã nói, đó đều là những cơ chế được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền con người. Luật HNGĐ hiện hành còn thiếu quy định cho phép xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận - hay còn gọi là chế độ tài sản ước định mà chỉ quy định về chế độ tài sản pháp định. Quy định này chưa đảm bảo thực hiện quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt của người có tài sản được quy định trong pháp luật dân sự; tạo ra sự cứng nhắc, không phù hợp với hoàn cảnh của từng cặp vợ chồng, từng gia đình trong thực hiện các quyền tài sản; khó đảm bảo sự minh bạch trong giao dịch; quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, cũng như trong bảo đảm căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Vì thế, một nội dung mới trong dự thảo là công nhận cả thỏa thuận bằng miệng, bằng văn bản mà không tuân thủ quy định về hình thức; đồng thời quy định quyền sở hữu trí tuệ của vợ hoặc chồng làm phát sinh về tài sản được coi là tài sản chung của vợ chồng...
Chế định ly thân không phải hoàn toàn mới, năm 2000 đã được đề nghị đưa vào rồi nhưng lúc đó Quốc hội chưa đồng ý. Chúng tôi cho rằng cơ chế ly thân là một trong những giải pháp hữu hiệu trong thời kỳ trung gian, quá độ, có thể giúp gia đình khắc phục được mâu thuẫn chồng chéo trong trường hợp chưa muốn ly hôn. Đặc biệt, đây là giải pháp tối ưu cho cộng đồng người Công giáo vì theo giáo lý, họ không được phép ly hôn. Thêm nữa, ly thân là một biện pháp giúp các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình…
° Xin ông cho biết, bao giờ dự thảo luật được hoàn thiện?
° Khoảng cuối năm nay dự thảo luật sẽ được trình Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Tôi cho rằng việc ban hành sớm là rất cần thiết nhưng cũng không thể quá vội, vì hôn nhân gia đình là vấn đề tế nhị, nhạy cảm và có tác động xã hội rất lớn. Cần phải tiến hành những nghiên cứu bài bản, chuẩn bị đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.
° Cảm ơn ông!
Anh Thư