Về giải quyết tranh chấp trên biển Đông, Ấn Độ - Indonesia kêu gọi: Đối thoại và thực thi luật pháp quốc tế

Tờ India Express đưa tin, trong chuyến công du đến Ấn Độ, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tái khẳng định, giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải trên biển Đông cần phải thông qua đối thoại.

Tờ India Express đưa tin, trong chuyến công du đến Ấn Độ, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tái khẳng định, giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải trên biển Đông cần phải thông qua đối thoại.

Phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Sau khi hội đàm giữa hai bên kết thúc, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề biển Đông và sự tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này, ông SM Krishna, Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Ấn Độ nói: “Chúng tôi đã theo dõi những diễn biến ở biển Đông. Ấn Độ ủng hộ quyền tự do đi lại và khai thác các nguồn tài nguyên theo những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mong muốn tha thiết nhất của chúng tôi là những nguyên tắc này phải được mọi bên tôn trọng”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa gián tiếp gợi đến các hành động của Trung Quốc khi ông cho rằng, dù có những nước đang vươn lên trong khu vực nhưng sự tăng trưởng đó phải có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực. Ông Natalegawa nói thêm: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn đang nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), sau rắc rối nảy sinh tại Hội nghị ASEAN mới đây ở Phnom Penh (Campuchia). Theo ông, vấn đề tranh chấp trên biển Đông đã trở nên gay gắt hơn và nguy cơ bùng nổ xung đột hiện đang cao hơn bao giờ hết. Ông lưu ý các nước nên tránh chiều theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan - một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn với chính sách đối ngoại của đa số các quốc gia dính líu đến hồ sơ biển Đông.

Philippines tố cáo Trung Quốc tận thu

Ngày 30-7, theo tờ Philstar của Philippines, khoảng 20 tàu cá và hậu cần Trung Quốc đã rời quần đảo Trường Sa trở về đảo Hải Nam. Động thái này của Trung Quốc đến sau khi Philippines tố cáo Trung Quốc vơ vét hải sản, đặc biệt là san hô, trong thời gian đội tàu của nước này neo đậu gần đảo Pag-asa (Việt Nam gọi là Thị Tứ) hiện do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa trước khi rời khỏi khu vực này ngày 28-7. Đoàn tàu Trung Quốc cách đảo Pag-asa không xa nên cư dân trên đảo có thể thấy rõ hoạt động của người Trung Quốc là sử dụng tời và cần trục để vét san hô từ dưới đáy biển đưa lên thuyền con chuyển về tàu lớn. Những con tàu chất đầy san hô sống, rùa biển và các loại hải sản sau đó đã rời khỏi khu vực đảo.

Trước thái độ của Trung Quốc, nghị sĩ Rodolfo Biazon, nguyên Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, đề xuất Philippines mời lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tới ngăn chặn xung đột vũ trang trên biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh. Ý kiến này bị chính phủ Philippines bác bỏ. Phó phát ngôn viên của Tổng thống Aquino, ông Abigail Valte khẳng định Philippines muốn giải quyết các tranh chấp thông qua con đường chính trị, hợp pháp và ngoại giao, tránh bất cứ hành động nào gây căng thẳng cho tình hình.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục