Trục đường này là cửa ngõ phía Đông Bắc của TPHCM, do đó không chỉ có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông mà còn mang ý nghĩa đối ngoại và phần nào thể hiện “bộ mặt” của thành phố. Thế nhưng, “bộ mặt” này vẫn còn khá lem luốc và cần đẩy mạnh nhiều giải pháp chỉnh trang hơn nữa.
Theo đồ án thiết kế đô thị 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đã được UBND TPHCM phê duyệt thì trục xa lộ Hà Nội bắt đầu từ cầu Sài Gòn, đi qua 3 quận 2, 9, Thủ Đức và kết thúc ở Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc. Trục đường này có chức năng giao thông đối ngoại, kết nối TPHCM với các đô thị đối trọng phía Đông Bắc trong Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, kết nối nhiều đầu mối giao thông liên vùng quan trọng. Các khu đô thị mới với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được thiết kế bám dọc toàn tuyến.
Xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 2. Ảnh: THÀNH TRÍ
Những cung đường bất an
Xa lộ Hà Nội hiện tại vẫn là điểm nóng của thành phố về kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm không khí, đặc biệt là khu vực cầu Rạch Chiếc - nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất (Nhà máy Xi măng Hà Tiên, Nhà máy Thép miền Nam…), kho hàng và cụm cảng Trường Thọ. Hàng ngày, các loại xe tải trọng lớn, cồng kềnh kéo nhau ra vào cảng, nhà máy thường xuyên, cắt ngang dòng lưu thông của các phương tiện cá nhân gây nên tình trạng ùn ứ và nguy hiểm cho người dân, nhất là vào giờ cao điểm.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên tuyến đường này từ các va quẹt nhỏ gây thương tích đến tai nạn gây thương vong nghiêm trọng. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc càng trở nên tồi tệ hơn mỗi khi trời mưa, xa lộ chìm trong biển nước. Ngược lại khi trời nắng, khu vực này phải chứng kiến nỗi kinh hoàng khác là bụi mù mịt, che khuất tầm nhìn của người đi đường.
Không chỉ xa lộ Hà Nội mà các tuyến đường nhánh nối vào quận 9, Thủ Đức như Đỗ Xuân Hợp, Tây Hòa, Nguyễn Văn Bá… cũng đang bị phá nát vì các xe container, xe tải trọng lớn.
Giải phóng kho tàng, bến bãi
Mới đây, UBND TPHCM đã ra thông báo khẩn về việc đầu tư xây dựng cụm cảng trung chuyển mới tại phường Long Bình, quận 9 để phục vụ di dời cụm cảng Trường Thọ hiện hữu tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, bao gồm cả các nhà máy xi măng, nhà máy thép... Chủ trương này đã được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản vào tháng 2-2016. Do đó, giao UBND quận 9 chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan khẩn trương cập nhật ranh đất và điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, chậm nhất 6 tháng phải trình UBND TP thẩm định, phê duyệt.
Ngoài ra, UBND TP cũng lưu ý khu đất dự kiến xây cảng mới chỉ tiếp giáp đường Nguyễn Xiển hiện hữu rộng khoảng 10m, cách xa lộ Hà Nội khoảng hơn 1km nên chưa đảm bảo cho việc tổ chức giao thông cho dự án và kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông chính tại khu vực là xa lộ Hà Nội, khi đưa vào hoạt động có thể gây áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông. Vì thế, Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất quy mô đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển theo lộ giới quy hoạch được duyệt là 30m.
Công tác cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển cũng nằm trong các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Chủ đầu tư chịu toàn bộ tổng kinh phí đầu tư xây dựng (đền bù giải phóng mặt bằng và xây lắp) đoạn qua dự án và nối ra xa lộ Hà Nội. Đối với việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đường Nguyễn Xiển, chủ đầu tư cụm cảng mới chịu trách nhiệm phần kinh phí xây lắp, thành phố chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng. Đồng thời chủ đầu tư phải đóng góp cho ngân sách thành phố từ 20% - 40% tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng.
|
KHÁNH LÊ