Về lại ngôi đình cách mạng

Ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) có ngôi đình cổ được xây dựng cách nay gần 180 năm, hiện được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố. Không chỉ vậy, ngôi đình cổ này còn được nhiều người dân vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cách nay hơn 70 năm biết đến là một cơ sở cách mạng, nơi hội họp của Xứ ủy Nam Kỳ và nơi tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…
Về lại ngôi đình cách mạng

Ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) có ngôi đình cổ được xây dựng cách nay gần 180 năm, hiện được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố. Không chỉ vậy, ngôi đình cổ này còn được nhiều người dân vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cách nay hơn 70 năm biết đến là một cơ sở cách mạng, nơi hội họp của Xứ ủy Nam Kỳ và nơi tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Đình làng làm cách mạng

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc Ngô Công Minh tần ngần một hồi lâu khi nghe chúng tôi hỏi về những nhân chứng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hiện còn ai. Ông nói: “Hết rồi! Bác Năm Muôn là người trông coi ngôi đình từ những năm 1940, nhưng bác mất cách nay hơn 3 năm rồi. Bác là nhân chứng cuối cùng của vùng Tân Túc, Chợ Đệm, đã chứng kiến và trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở khu vực này cách nay đúng 70 năm”. Nói rồi, ông Minh cử cán bộ văn hóa thị trấn dẫn chúng tôi sang tham quan ngôi đình lịch sử.

Ngôi đình cổ Tân Túc, nơi ghi dấu cuộc nổi dậy của nhân dân vùng Tân Túc, Chợ Đệm tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ông Chín Hà (Huỳnh Văn Hà), Trưởng hội hương đình Tân Túc, là người được ông Năm Muôn trước khi mất giao trông coi, tổ chức các nghi thức tế lễ, hội đình vào các ngày kỷ niệm trọng đại trong năm. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng các công trình kiến trúc gồm cổng tam quan trước đình, bia thần hổ, bệ thờ Thần Nông, chánh điện, nhà túc…, ông Chín Hà nói: “Ngôi đình mấy năm nay xuống cấp nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn các công trình kiến trúc đã từng in dấu một thời hào hùng cách mạng. Đình có khuôn viên rộng, liền với bờ sông Chợ Đệm phía trước và mặt lộ phía sau. Với vị trí thuận lợi cả hai mặt thủy - bộ nên đình Tân Túc luôn được các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ những năm 1930 - 1945 chọn làm cơ sở cách mạng, nơi hội họp, cất giấu tài liệu, vũ khí”. Theo ông Chín Hà, sử sách nói, đình Tân Túc được triều đình Tự Đức năm thứ V ban chỉ sắc phong đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Tuy là thờ thần và những người có công mở đất nhưng qua nhiều giai đoạn lịch sử, đình Tân Túc đã gắn chặt với nhân dân vùng Chợ Đệm, Tân Túc trong các phong trào đấu tranh cách mạng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cũng tại ngôi đình này, như sử sách và những người thân trong gia đình ông Chín Hà đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945 kể lại, đình Tân Túc đã chứng kiến cuộc họp của Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại Chợ Đệm. Đình là nơi tập hợp, luyện tập của lực lượng cách mạng và là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh và Quốc vệ đội (Công an) tỉnh Chợ Lớn…

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Lịch sử ngôi đình cổ Tân Túc và vùng đất giàu truyền thống cách mạng Tân Túc, Chợ Đệm - như Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Công Minh nói - dù đã có hàng thập niên qua nhưng vẫn còn lưu truyền mãi qua nhiều thế hệ, là động lực, sức mạnh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Tân Túc nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu phát triển quan trọng. Vùng Chợ Đệm, Tân Túc xưa kia nay trở thành thị trấn sầm uất với nhiều công trình giao thông, khu đô thị hiện đại, nhà cửa, trường học… mọc lên khang trang. Những năm qua, Đảng bộ thị trấn đã quyết liệt thực hiện các mục tiêu phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế xã nông nghiệp ngoại thành sang kinh tế đô thị lấy thương mại, dịch vụ làm trọng tâm, bảo đảm đời sống, việc làm và không ngừng nâng cao mức sống cho gần 20 ngàn cư dân thị trấn.

Lịch sử quá khứ cùng thành tựu phát triển những năm qua và hiện nay của vùng đất Tân Túc, Chợ Đệm luôn là niềm tự hào của các thế hệ lãnh đạo Đảng, chính quyền trên quê hương giàu truyền thống cách mạng này. Tất cả đều hướng đến mục tiêu lo cho dân, lo cho sự phát triển của vùng đất cách mạng, để đền đáp bao thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương cho nền độc lập dân tộc và giữ mãi truyền thống của vùng đất Tân Túc, Chợ Đệm - nay là thị trấn Tân Túc, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục