Về Lâm Hà…

Gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, thôn 2 xã Mê Linh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đang có cách làm du lịch rất độc đáo. Đó là cách bỏ ra rất ít vốn mà đem lại hiệu quả kinh tế khá căn cơ. Được ưu thế mặt tiền trên tuyến đường Đà Lạt - Lâm Hà qua xã Tà Nung, đến thác Vọng, thác Voi nổi tiếng, nhà ông Lộc rất dễ tìm với tấm biển “Kiết Tường Tửu” ngoài ngõ. Nhà ông lúc nào cũng đông khách đến từ năm châu…

Khi tôi tìm đến, cũng là lúc một loạt khách nước ngoài vừa lên xe. Tôi bắt tay ông Lộc và mở đầu câu chuyện về sản phẩm độc đáo khiến ai mới nghe cũng muốn khám phá. Đấy là thưởng thức ly cà phê chồn chính hiệu. Nhìn phin cà phê tỏa mùi thơm ngát, tôi hỏi ông về quy trình chế biến cà phê chồn ra sao? Ông Lộc vui vẻ bộc bạch rằng, lúc đầu nghe nói cà phê chồn trên thị trường cũng muốn thử cho biết nhưng thật ra thường là hàng giả hiệu, họ dùng hương liệu có bán sẵn trên thị trường để chế biến.

Ông chợt nghĩ, tại sao lại không có một ly cà phê chồn thật sự như lời đồn đại. Mang ý nghĩ ấy, ông đi tìm mua chồn về nuôi. Ông Lộc nói, 5 cặp chồn Đắc Lắc trị giá mỗi cặp 25 triệu đồng được ông đem về nuôi và đã hoàn tất về khâu pháp lý. Ông cho biết con chồn hoang dã sẽ tự chọn trái cà phê nào ngon nhất mới ăn, nên chất lượng trong tự nhiên bao giờ cũng thật hoàn hảo. Còn chồn nuôi, vì tính chọn lựa ấy nên thường chỉ ăn 20% số cà phê chủ cho ăn. Vì thế, công chọn cà phê tốt là rất nhọc và làm cho giá thành lên cao.

Trong chuồng sắt, ông lót các loại rổ mềm cách 15 - 20cm để hứng phân chồn nguyên thỏi, rồi nhẹ nhàng đem sấy khô (không cho vỡ ra vì sẽ mất chất lượng). Ông kể, có một vài đối tác Hàn Quốc, Singapore đến đặt hàng, họ đã lấy nguyên mẫu về nghiên cứu, phân tích các thành phần trong cà phê chồn. Và nhất là để xem sản phẩm của ông có thật sự chính hiệu hay không? Công đoạn sấy khô cũng cực kỳ khó tính, ấy là chỉ sấy bằng gió. Đúng vậy, khi con chồn ăn cà phê, mùi xạ hương đặc biệt đã ướp vào đó khi hạt còn nằm trong bụng, nếu sấy bằng nhiệt, mùi xạ sẽ bay mất. Vì thế, người ta phải nghĩ ra cách đóng một dụng cụ sấy khô trông giống chiếc tủ lạnh, đặt quạt ở dưới và hong cà phê chồn bên trên. Hạt cà phê khô sẽ còn nguyên chất liệu tự nhiên của nó là hoang dã và… bí mật.

Nhấp ly cà phê đen tuyền, tôi cảm nhận vị cà phê đặc sánh ấy có vị ngon thật khác thường là rất bùi, rất ngậy, gần như xạ hương đang len lỏi qua khứu giác và thấm vào vị giác một cách tinh tế thần kỳ. Một hương vị đắc địa! Tôi nghĩ, “tín đồ cà phê” nào cũng thích có một chuyến hành hương về miền “đất thánh” của cà phê chồn để tận mắt, tận lưỡi ngất ngây và tụng ca hương vị mà mình hằng tôn vinh.

Nhà ông khang trang, phía trước là mặt đường nhựa, xung quanh là vườn cà phê xanh ngát. Du khách đến cứ tự nhiên đi một vòng quanh nhà, xem chuồng nuôi chồn, những con chồn hương đã dạn dĩ với khách tham quan. Họ quay phim, chụp hình trước những đôi mắt ngơ ngác dễ thương của chúng. Ông Lộc để nguyên bao phân chồn từng thỏi đã sấy khô cho du khách tận mắt chứng kiến. Tham quan một vòng xong, du khách có thể ngồi xuống một dãy ghế dài đơn sơ và bắt đầu thưởng thức ly cà phê bốc khói thơm ngát mà hỏi chuyện gia chủ về mọi thứ xung quanh ly cà phê chồn. Thật là những giây phút đầy thi vị…

Ông Lộc tâm sự, ông đang có ý định mở rộng mô hình này cho bà con trong thôn cùng làm du lịch. Bởi theo ước tính của ông, lượng khách mỗi ngày từ vài chục, có khi lên tới 180 khách, được các tài xế và hướng dẫn viên du lịch từ Đà Lạt đưa xuống. Họ có thể thăm thú thác Voi, chùa Linh Ẩn, cơ sở nuôi tằm, trại nuôi dế gần đó và trở về thưởng thức cà phê chồn. Với 50.000 đồng một ly cà phê phin là cái giá “dễ chịu” cho du khách. Thu nhập của gia đình ông, từ mô hình cà phê chồn, mỗi năm khoảng nửa tỷ đồng sau khi trừ chi phí, là con số mơ ước đối với nhiều nông dân… 

NGUYỄN THÁNH NGÃ

Tin cùng chuyên mục