Về quê

Sau 5 năm liên tiếp chứng kiến nền kinh tế xuống dốc, người dân tại các đô thị lớn ở Hy Lạp đã tính đến chuyện di cư về các vùng quê làm nông, thoát khỏi cảnh thất nghiệp ở thành phố. Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Nông nghiệp Hy Lạp, 1,5 triệu dân xứ sở thần thoại đang rục rịch bắt đầu cuộc sống mới mà họ cho là dễ thở hơn.

Kết quả khảo sát nói rõ 50% trong số 1,5 triệu người Hy Lạp thực sự nghiêm túc với định hướng làm nghề nông. Tại thủ đô Athens, có 68% trong dân số khoảng 4 triệu người có ý định trên và 19% đã thực hiện điều này. Trong 2 năm gần đây, có trên 40.000 người đã thành công với các trang trại nhỏ.

Từ những người dân thành phố chỉ quen làm việc trong các tòa nhà bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp, nay họ đã trở thành những chuyên gia chăn nuôi và làm vườn, có thể tự cung cấp thực phẩm nuôi gia đình. Sống thiếu tiện nghi nhưng họ hạnh phúc vì biết rằng mình vẫn còn có việc để làm.

Cơ quan hỗ trợ nông nghiệp Hy Lạp cho biết tính đến cuối tháng 3 đã nhận đơn xin thuê đất nông nghiệp nhà nước của hơn 4.000 gia đình. Đề án cho thuê đất do Chính phủ Hy Lạp đưa ra trước đó 6 tháng, nhằm hỗ trợ người thất nghiệp, nông dân hay những sinh viên mới tốt nghiệp với mức thuê 5 EUR/mẫu Anh (khoảng 0,4ha và tối đa 100 mẫu/người) cho một vụ mùa. Có lẽ vì đề án này nên số thí sinh ghi danh vào các trường nông lâm ngư nghiệp đã tăng lên. Trong 2 năm, số thí sinh ghi danh vào các trường trên đã tăng từ 2 - 4 lần.

Bộ trưởng Nông nghiệp Kostas Skandalidis nhận định làn sóng nông thôn hóa có thể giúp Hy Lạp khắc phục phần nào hậu quả khủng hoảng tài chính. Nhờ đó, quốc gia này sẽ bớt phụ thuộc thực phẩm nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, giúp chính phủ có thêm ngân sách hỗ trợ giảm giá cho người tiêu dùng. Đồng thời, nông thôn hóa đã góp phần tạo ra việc làm đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp hiện khoảng 21%, đối với giới trẻ độ tuổi 15 – 29, tỷ lệ này là 35%.

Theo New York Times, nông nghiệp là một trong số rất ít các ngành đạt tăng trưởng trong thời kỳ khủng hoảng. Lĩnh vực này đã tạo ra ít nhất 32.000 việc làm trong 2 năm qua.

Cũng theo ông Skandalidis, làn sóng này mang lại cho người Hy Lạp lợi thế cạnh tranh lớn vì hầu hết những người quay về làm nông nghiệp kể trên đều đã từng có công ăn việc làm ổn định ở thành phố, có nền tảng giáo dục tốt, thậm chí có bằng sau đại học. Điều này có nghĩa họ không phải về quê để làm lao động tay chân đơn thuần mà còn có thể bắt đầu việc kinh doanh riêng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định xu hướng này không thể trở thành lối thoát đối với nền kinh tế Hy Lạp. Vì trong ngắn hạn, nguồn thu từ nông nghiệp này chỉ tạo ra sự gia tăng nhỏ sản phẩm xã hội và số tiền này không đủ để Hy Lạp trả những khoản đã vay.

Đến thời điểm này, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, vẫn chấp nhận ngồi trên sàn nhà vùng quê thưởng thức những món chế biến từ nông sản do họ làm ra và ngắm khung cảnh thiên nhiên còn hơn là chịu đựng biểu tình triền miên ở các thành phố. Dù rằng thu nhập không cao, nhưng bù lại, họ đang có công việc tốt và môi trường làm việc cực kỳ trong lành, giúp suy nghĩ tích cực hơn trong giai đoạn ảm đạm này.

Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục