>> Thủ tướng Anh thừa nhận hưởng lợi từ một quỹ ở Panama
>> Thêm nhiều nhân vật nổi tiếng dính bê bối
Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-4 cảnh báo sẽ trừng phạt các nước giống Panama nếu tiếp tục từ chối hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế. Cùng lúc, giới lập pháp Mỹ cũng đòi Bộ Tài chính điều tra sự minh bạch của hệ thống tài chính Mỹ.
Sẵn sàng đối phó
Theo Guardian, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Pierre Moscovici cho rằng EU cần phải sẵn sàng đối phó bằng những biện pháp trừng phạt đích đáng với các quốc gia không sẵn sàng hợp tác. Hiện Panama đã bị EU liệt vào danh sách các nước không hợp tác trong vấn đề thuế quan.
Ở bên kia bờ Đại Tây dương, giới lập pháp Mỹ đã đề nghị Bộ Tài chính nước này mở cuộc điều tra xem có hay không sự dính líu của Mỹ hoặc bất kỳ thực thể nào liên quan tới Mỹ với Công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ Tài liệu Panama. Các thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren và Sherrod Brown, trong lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, nhấn mạnh Bộ Tài chính Mỹ cần phải có kết quả điều tra nhằm bảo vệ sự minh bạch của hệ thống tài chính Mỹ và thực thi các điều luật về chống rửa tiền và bảo trợ khủng bố.
Vụ rò rỉ Tài liệu Panama trở thành tâm điểm khai thác của truyền thông quốc tế
Về phần mình, Panama tuyên bố sẽ tăng cường đàm phán với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chia sẻ thông tin thuế. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Panama Isabel De Saint Malo cho biết chính phủ sẽ thiết lập cơ chế đối thoại cấp kỹ thuật với OECD về trao đổi thông tin. Phó Tổng thống Panama đồng thời tái khẳng định lập trường không khoan nhượng đối với những hành vi sai trái và các hoạt động tài chính mờ ám, đồng thời nhấn mạnh cam kết tăng cường sự minh bạch trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực đóng góp tới 7% GDP Panama. Bên cạnh đó, bà De Saint Malo cho biết thêm quốc gia Trung Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh chia sẻ thông tin với Pháp sau khi Paris cảnh báo đưa Panama trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế. Cách đây 2 tháng, Panama đã được đưa ra khỏi danh sách các nước chưa đủ nỗ lực chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố. Hiện OECD đang đi đầu trong việc cáo buộc Panama không hành động đầy đủ để thực hiện các tiêu chuẩn về minh bạch và chia sẻ thông tin, đồng thời so sánh Panama là thiên đường trốn thuế cuối cùng, tạo điều kiện cho các quỹ giấu tài sản ở nước ngoài.
Thủ tướng Anh David Cameron giải thích
Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron đã thừa nhận được hưởng lợi từ một quỹ đầu tư mà cha của ông lập ra. Trả lời kênh Tin tức ITV, ông Cameron xác nhận có mối liên hệ trực tiếp với Quỹ đầu tư Blairmore Investment Trust (BIT) mà cha ông đã lập ở nước ngoài để tránh đóng thuế cho nước Anh như đã bị tiết lộ trong vụ rò rỉ Tài liệu Panama. Ông Cameron thừa nhận từng góp gần 12.500 bảng vào BIT. Trước khi trở thành Thủ tướng Anh hồi năm 2010, ông đã bán cổ phần của mình ở quỹ này với giá 31.500 bảng. Ông Cameron cho biết có đóng thuế thu nhập đối với phần tiền lãi cổ phần này. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Anh cũng khẳng định ông không biết liệu số tiền 300.000 bảng được thừa kế từ người cha quá cố có phải được hưởng lợi từ “thiên đường thuế” hay không.
Trước đó, Thủ tướng Cameron và các trợ lý của ông cũng đã 5 lần đưa ra những giải thích liên quan đến những lợi ích mà ông và gia đình được hưởng từ quỹ hải ngoại trên.
Cũng trong ngày 8-4, theo dự kiến, Tổng thống Argentina Mauricio Marci sẽ phát biểu trước một tòa án dân sự về cáo buộc ông liên quan đến một công ty nước ngoài trong Tài liệu Panama. Theo tài liệu, Tổng thống Marci bị nghi là giám đốc của một công ty nước ngoài ở Bahamas. Ông Marci đã phủ nhận cáo buộc này.
|
VIỆT ANH (tổng hợp)