Sau gần 3 năm triển khai đề án vệ tinh, đến nay ngành y tế TPHCM đã bước đầu gặt hái “quả ngọt”. Đó là hàng loạt phòng khám vệ tinh từ bệnh viện (BV) tuyến thành phố xuống BV quận, huyện. Và nay thêm một bước nữa là phòng khám vệ tinh BV tuyến quận, huyện xuống trạm y tế phường, xã. Thậm chí, đã bắt đầu có những bước chuyển mới khi BV quận, huyện liên kết hỗ trợ qua lại và manh nha sự kết hợp phòng khám vệ tinh công - tư.
Từ phòng khám vệ tinh…
Khởi đầu với phòng khám nhi vệ tinh của BV Nhi đồng 1 đặt tại các BV quận Bình Tân, Tân Phú từ năm 2013, một mô hình mới đề cao mục tiêu giảm tải đã được Sở Y tế xây dựng: Đề án phòng khám vệ tinh. Với lĩnh vực nhi khoa, tình trạng quá tải nghiêm trọng của BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã phần nào được tháo gỡ. Hết Bình Tân, Tân Phú, các BV quận 2, quận 7, Bình Chánh… bắt đầu khai trương phòng khám nhi vệ tinh của các BV thành phố. “Nếu như trước đây, hầu như trẻ em vô BV quận là chuyển lên BV thành phố liền, nhưng nay thì không như thế nữa vì BV quận đã có khoa vệ tinh”, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, chia sẻ. Với quy trình là BV quận, huyện xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, các BV thành phố cử bác sĩ tay nghề cao xuống “cắm chốt” hỗ trợ một thời gian, chuyển giao cho đội ngũ y bác sĩ tại chỗ. Từ đó, chuyên môn của BV được nâng lên, người bệnh tin tưởng vì BV quận nhưng “đẳng cấp” tay nghề thành phố nên yên tâm… Hết chuyên khoa nhi, ngành y tế thành phố đẩy mạnh tiếp vệ tinh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, ung bướu.
Từ khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình 100 giường tại BV An Bình, ngành y tế thành phố đã mở thêm khoa vệ tinh tương tự tại BV Đa khoa Sài Gòn… Đáng nói, mới đây Sở Y tế đã triển khai cùng lúc 13 phòng khám vệ tinh cho BV huyện Củ Chi. Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chỉ sau 2 tuần triển khai, BV huyện Củ Chi thu hút gần 600 bệnh nhân đến khám, điều trị/ngày, thay vì lèo tèo người bệnh như trước đó. Theo ông Bỉnh, trong giai đoạn đầu, Sở Y tế cử 40 bác sĩ từ các BV thành phố hỗ trợ, đảm bảo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân.
Với mô hình y tế về gần dân hơn, Sở Y tế tiếp tục triển khai đưa bác sĩ từ các BV quận, huyện có uy tín về luân phiên tăng cường cho các trạm y tế xã, phường. Nếu như các năm qua, thực hiện Đề án 1816 (luân phiên bác sĩ) của Bộ Y tế là mới dừng lại BV tuyến trung ương, thành phố hỗ trợ tuyến quận, huyện, thì nay TPHCM đã “đón đầu” thêm một bước. Điển hình như BV quận 2 mở các phòng khám vệ tinh ở các trạm y tế Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh, Thảo Điền, với nhiều phòng khám thuộc các chuyên khoa như bác sĩ gia đình, nội tổng hợp, nội tim mạch, ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, vật lý trị liệu… BV quận Thủ Đức, BV quận 7 cũng đã triển khai mô hình mở phòng khám vệ tinh, đưa bác sĩ về hỗ trợ hàng loạt trạm y tế. Nhờ vậy mà chất lượng khám chữa bệnh ở các trạm y tế nâng lên, người dân tin tưởng hơn nhờ là “vệ tinh” của BV quận…
Phòng khám vệ tinh tại Bệnh viện huyện Củ Chi
Đến bệnh viện vệ tinh
Theo Bộ Y tế, việc triển khai phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh là điểm nhấn y tế của các địa phương, nhất là TPHCM. Mặt khác, Đề án BV vệ tinh cũng được Bộ Y tế chủ xướng triển khai đào tạo được hàng trăm lớp cho bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng; huấn luyện, tập huấn, chuyển giao hàng chục kỹ thuật, giúp các BV tuyến tỉnh, tuyến cơ sở chủ động hơn trong khám chữa bệnh. Đồng thời đã giảm đáng kể tình trạng chuyển viện, giảm tải cho các BV tuyến trên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều BV, cơ sở y tế tuyến dưới chưa tham gia BV vệ tinh do khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu quan tâm của chính quyền địa phương…
|
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đề án BV vệ tinh đã gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, đến nay đã có hàng chục BV tuyến trên là hạt nhân và gần 100 BV tuyến dưới làm vệ tinh tại hầu hết các tỉnh, thành phố… Mặc dù đã đạt được kết quả đáng mừng, nhưng theo ông Khuê, vẫn chưa thỏa mãn được vì còn một số BV tuyến trên có năng lực chưa tham gia BV hạt nhân giúp chuyển giao, đào tạo và nhiều BV tuyến dưới cũng chưa đủ điều kiện tham gia làm vệ tinh.
Thực tế, việc quá tải của nhiều BV là quá tải bệnh nhân ngoại trú. Việc xây dựng các mô hình vệ tinh một phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới, nhưng cũng là giảm tải tuyến trên. Tuy nhiên, bên cạnh việc triển khai tại các hệ thống y tế công lập, Bộ Y tế cũng hướng mô hình vệ tinh công - tư kết hợp. Tại giao ban giám đốc các BV mới đây, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng đề xuất hình thành hệ thống phòng khám công - tư kết hợp. Trong đó, BV công lấy thương hiệu và đội ngũ bác sĩ của BV kết hợp với vốn của tư nhân để mở các phòng khám, giúp giảm tải khám bệnh. Trước mắt có thể tiến hành thí điểm phòng khám công - tư tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2…
Thống kê của ngành y tế TPHCM cho thấy trong năm 2015, số lượt bệnh nhân khám ngoại trú tại các BV trực thuộc lên đến hơn 34 triệu lượt, chiếm đến 23% lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú của cả nước. Số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú cũng tăng dần hàng năm. Riêng trong quý 1-2016, số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các BV tăng khoảng 5% - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 BV có số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú cao nhất là BV Nhi đồng 2 (372.818 lượt ) và BV Nhi đồng 1 (368.857 lượt) n
TƯỜNG LÂM