Về việc phim Bụi đời Chợ Lớn chưa được cấp phép phổ biến: Cần tôn trọng nguyên tắc

Trước việc Bụi đời Chợ Lớn bắt buộc phải chỉnh sửa lại, đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johnny Trí Nguyễn và một số người làm phim Việt cho rằng: “Bao nhiêu nước làm phim bạo lực đầy ra đấy, có sao đâu? Phim bạo lực của họ còn ghê gớm hơn mình nhiều! Mình thế này ăn thua gì...”.

Trước việc Bụi đời Chợ Lớn bắt buộc phải chỉnh sửa lại, đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johnny Trí Nguyễn và một số người làm phim Việt cho rằng: “Bao nhiêu nước làm phim bạo lực đầy ra đấy, có sao đâu? Phim bạo lực của họ còn ghê gớm hơn mình nhiều! Mình thế này ăn thua gì...”.

Tuy nhiên bình tĩnh xem xét vấn đề này, chúng ta có thể dẫn ra nhiều ví dụ về việc cấm phim ở nhiều nước, và chuyện cấm phim ở nước này hay nước kia là hết sức bình thường: Anna và Nhà Vua (Anna And The King) của đạo diễn Mỹ Andy Tennant bị Thái Lan cấm chiếu. Bảy năm ở Tây Tạng (Seven Years in Tibet) có Brad Pitt đóng, của đạo diễn J.J. Anaud, không những bị Trung Quốc cấm chiếu mà còn cấm cả đạo diễn và diễn viên không được nhập cảnh vào nước này. Ngay cả Hàn Quốc thời Pak Chung Hy (dù tham chiến tại Việt Nam) cũng cấm chiếu phim Ngày tận thế (Apocalypse Now) của đạo diễn Mỹ F.F.Coppola. Thậm chí ở Trung Quốc, một số phim của Trương Nghệ Mưu – vị đạo diễn là niềm tự hào của họ, còn không được chiếu. Nhưng đạo diễn họ Trương vẫn coi đó là chuyện bình thường, vẫn tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật Trung Hoa hiện đại…

Có lẽ, vì xót đầu tư tiền khá lớn, công sức nhiều nên những người làm phim Bụi đời Chợ Lớn đang cố bằng mọi cách biện luận để dư luận tin rằng phim chỉ thuần túy hư cấu, giải trí mà quên một nguyên tắc sơ đẳng là nước nào cũng có luật để điều chỉnh các hoạt động xã hội và lệ “nhập gia tùy tục”. Mỗi quốc gia có nguyên tắc, quan niệm, quy định, luật pháp, môi trường, văn hóa sống khác nhau. Trên tinh thần để điện ảnh phản ánh và hướng đến một cuộc sống văn minh, lương thiện; cơ quan nhà nước buộc nhà làm phim Bụi đời Chợ Lớn phải chỉnh sửa cũng là điều dễ hiểu và nên được chia sẻ.

Nhớ lại trước đây, đã có lần đạo diễn Lưu Huỳnh trả lời báo chí phàn nàn về việc một cảnh trong phim Huyền thoại bất tử bị hội đồng duyệt cắt: “Cảnh quay Trần Bảo Sơn vạch quần đái vào hũ tro cốt thi hài cũng bị cắt. Tôi muốn đưa tình huống này vào phim để đẩy sự xung đột của hai nhân vật này lên đỉnh điểm…”. Trong trường hợp này, nếu không cắt, nhất định khi xem phim khán giả Việt sẽ bất bình vì hành vi quá phản cảm, chạm đến văn hóa, đạo đức phương Đông rất coi trọng lễ nghĩa, ông bà, cha mẹ và khi ấy, hội đồng duyệt cũng sẽ mang tiếng là duyệt loáng thoáng chiếu lệ, hoặc hội đồng đã “thoáng” đến khó tin?

Thời gian qua, các đạo diễn, diễn viên Việt kiều khi về nước hoạt động nghệ thuật đều được nhà nước, các cơ quan ban ngành tạo điều kiện thuận lợi, ghi nhận tài năng, sự thành công bằng những giải thưởng nghề nghiệp cao quý. Khi họ làm phim chưa phù hợp, chưa đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước đề nghị phải chỉnh sửa, thiết nghĩ cũng là chuyện hết sức bình thường, cần thiết. Nên chăng giờ đây, đạo diễn và ê kíp làm phim Bụi đời Chợ Lớn cần một thái độ bình tĩnh, hiểu chuyện và thiện chí khi tiếp nhận mọi khen - chê, hơn là có vẻ cay cú, phát biểu tùy tiện trên một số phương tiện thông tin, trang mạng… khiến sự việc trở nên ồn ã, căng thẳng không cần thiết.

PHỤNG CÔNG

- Thông tin liên quan:

>> Nội dung thông báo mới nhất của Cục Điện ảnh về những vi phạm của phim Bụi đời Chợ Lớn

>> Bụi đời Chợ Lớn chỉnh sửa để ra rạp

Tin cùng chuyên mục