- Chưa có báo cáo về các loại sữa được phép lưu hành ở Việt Nam bị nhiễm hóa chất gây bệnh
Ngày 19-9, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra thị trường sữa trên địa bàn Hà Nội, đã có tổng số 21 mẫu sữa, trong đó có 2 mẫu không có nguồn gốc, được bàn giao cho Viện Dinh dưỡng quốc gia xét nghiệm tìm hóa chất độc hại. Đây là những mẫu sữa mà Bộ Y tế thu thập ở các siêu thị, nhà máy sản xuất sau vài đợt kiểm tra vừa qua.
Ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế, cho biết, sau đợt kiểm tra sữa tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM, Thanh tra Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với địa phương kiểm tra các cửa hàng và nhà máy sản xuất sữa, lấy mẫu sữa bột và sữa tươi để xét nghiệm tìm chất Tripolycyanamide (hóa chất được phát hiện trong sữa Sanlu gây bệnh sạn thận, sỏi thận cho trẻ) trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, các đoàn thanh tra sẽ tập trung kiểm tra và thu giữ ngay các loại sữa trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tang vật vi phạm là hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phải tiêu hủy, tuyệt đối không cho phép được tiếp tục lưu hành. Các mẫu sữa nghi ngờ đã được lấy chuyển cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm sẽ có kết luận sớm và thông báo rộng rãi trên toàn quốc.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, trong đợt này, viện chỉ làm các xét nghiệm lý hóa, vi sinh là chủ yếu, riêng việc xét nghiệm hóa chất Tripolycyanamide trong sữa thì viện mới chỉ xây dựng được quy trình xét nghiệm nên không tiến hành ngay. Bởi lẽ khi có quy trình rồi còn phải nhập hóa chất xét nghiệm từ nước ngoài, nếu nhanh cũng phải hơn một tháng nữa mới có được kết quả cụ thể. Bà Lâm cũng cho biết, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng thường xuyên làm xét nghiệm các chỉ tiêu trong sữa nhưng chỉ làm dịch vụ khi các công ty có yêu cầu hoặc kiểm tra các mẫu sữa do Thanh tra Bộ Y tế gửi sang. Qua các lần xét nghiệm, nhìn chung chưa phát hiện các chỉ tiêu sai phạm nghiêm trọng đối với các sản phẩm sữa đang có mặt ở Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Hùng Long khẳng định, đến nay, cục chưa từng cấp phép cho loại sữa Sanlu vào Việt Nam. Đặc biệt, với hơn 370 loại sữa ngoại đã được cấp phép lưu hành ở Việt Nam thì chưa thấy báo cáo gì về việc sữa chứa hoặc nhiễm hóa chất gây bệnh. Đối với loại sữa cân bán trên thị trường, ông Long cho biết, nếu người bán chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của loại sữa và chứng nhận ATVSTP thì vẫn được phép chia nhỏ, đóng gói để bán nhưng phải đảm bảo quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên Cục ATVSTP cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng những sản phẩm sữa có nhãn mác rõ ràng và đã được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Khánh Nguyễn