Vào những dịp kỷ niệm ngày làm nghề như thế này, có những chuyện nhớ đến lại thấy đắng lòng!
Một câu chuyện chưa kịp bật ra khỏi trí nhớ là câu chuyện Tôn Hoa Sen tài trợ để đưa Nick Vujicic đến Việt Nam. Ở đây, bỏ qua tất cả những nhận định nên hay không nên mời Nick, ý nghĩa và tác động thực sự của việc thực hiện cú hích tinh thần ấy như thế nào mà chỉ bàn đến yếu tố truyền thông trong một tương tác đa chiều để tạo ra chuỗi sự kiện trên. Và có gì đó như truyền thông đã bị chơi khăm.
Trước khi Nick đến Việt Nam, thông qua những cuốn sách được dịch và xuất bản, những thước phim về cuộc đời Nick được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia đã tạo ra một sự hứng khởi nhất định cho các nhà báo và họ, bằng sự hứng khởi ấy đã cổ xúy khá nhiệt tình thông qua những bài báo. Khởi phát, có lẽ điều ấy xuất phát từ sự rung cảm trước một thông điệp quá đỗi nhân văn cũng như mong muốn truyền cảm hứng từ nghị lực sống của Nick đến độc giả người Việt, nhất là những số phận kém may mắn, giúp họ thêm niềm tin và động lực. Nếu mọi việc dừng lại như thế, có lẽ đã có một kết thúc đẹp cho câu chuyện về Nick.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi công bố thông tin nhà tài trợ Tôn Hoa Sen bỏ ra 32 tỷ đồng cho sự kiện trên. Nên nhớ, trước khi thông tin trên xuất hiện, có lẽ sẽ có người biết Tôn Hoa Sen tài trợ cho sự kiện này nhưng rõ ràng chủ thể và chủ điểm của sự kiện trên, cho tới thời điểm ấy, vẫn là Nick và chỉ có Nick! Thế nhưng sau khi con số kia được công bố, chủ thể sự kiện dường như đã xoay chiều, mọi tập trung đều hướng về Tôn Hoa Sen. Đến đây có thể thấy, những toan tính thực dụng đã can thiệp vào một câu chuyện mang đầy màu sắc nhân văn, biến nó trở thành chiêu bài truyền thông để trục lợi đơn thuần. Và đỉnh điểm, gần như liền sau đó người ta hả hê công bố con số tài sản tăng thêm của ông chủ Tôn Hoa Sen như một minh chứng nhãn tiền chứ không cần giấu giếm hay khoác vỏ bọc nhân văn nữa. Vậy mà, trong cuộc họp báo để Nick từ biệt giới truyền thông sau đó, nhà tài trợ gần như chiếm diễn đàn để bày tỏ quan điểm về những gì dư luận và truyền thông dành cho mình, cũng như bức xúc cho rằng truyền thông đừng làm Nick Vujicic tổn thương vì những bài viết có cái nhìn tiêu cực! Có lẽ, ông chủ Tôn Hoa Sen quên rằng, nếu không có hiệu ứng từ những bài viết như thế, có thể tài sản của ông ta đã chẳng có đồng nào tăng thêm!
Nếu câu chuyện về Nick và Tôn Hoa Sen chỉ là sự đắng lòng vì cảm giác niềm tin và những giá trị nhân văn bị lợi dụng thì ở câu chuyện The Voice 2012 lại khác. Khi những lùm xùm về việc dàn xếp kết quả can thiệp bị phanh phui, trong cuộc họp báo xử lý sự cố, chính ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, đơn vị tổ chức, đã cho rằng chính các phóng viên cũng có lỗi trong vụ scandal này do đã… đưa tin về clip (chứa nội dung dàn xếp kết quả). Một cú “tát” thực sự cho giới truyền thông. Và sau rốt, sự phẫn nộ của truyền thông và dư luận chỉ như “gãi vào chỗ ngứa” bởi The Voice 2012 vẫn tiếp tục được phát và lượng quảng cáo “khủng” vẫn đổ vào khung giờ phát sóng của chương trình này.
Và trên thực tế chắc chắn không chỉ có hai ví dụ cụ thể trên đây. Thế mới biết, viết báo khó lắm thay! Làm một nhà báo bản lĩnh để tỉnh táo trước cạm bẫy thông tin trong thời buổi quá nhiều nhiễu nhương, quá nhiều chiêu trò này càng khó khăn gấp bội.
KHẮC THI