Tin Xuân Hằng, Mỹ Trang xin rút lui khỏi đợt tập trung ĐTQG đầu năm 2007 chẳng khác nào cơn địa chấn giữa làng bóng bàn Việt Nam. Ngoài lý do bận học văn hóa, còn có khá nhiều nguyên nhân nữa khiến các tay vợt nữ ở các địa phương hiện nay ngại hai từ "lên tuyển". Lần đầu tiên sau nhiều năm, tuyển nữ Việt Nam lâm vào cảnh "tan đàn xẻ nghé".
TỪ CHUYỆN SỢ LÊN TUYỂN…

Mai Xuân Hằng, Mai Hoàng Mỹ Trang hiện là hai tay vợt chủ công của bóng bàn nữ Việt Nam. Vậy mà, cả hai đều lắc đầu không ra Nhổn tập trung vì lý do bận học văn hóa. Xuân Hằng lo học cho xong ngành công nghệ thông tin, còn Mỹ Trang đang bù đầu vào "ngốn" khối kiến thức khổng lồ mà suốt mấy năm ra tuyển, rồi tập huấn chương trình "Thế hệ vàng", cô chẳng còn chút thời gian để tự bồi dưỡng văn hóa.
Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì hai chị em họ Mai vẫn khẳng định sẵn sàng khoác áo ĐTQG dự các giải đấu khu vực và châu lục trong năm. Họ chỉ xin lãnh đạo bộ môn và BHL đội tuyển cho tập trung tại chỗ (TPHCM) để chăm lo nhiều hơn cho chuyện đèn sách. Không chỉ có vậy, nhiều tay vợt nữ có khả năng chuyên môn khá ở Khánh Hòa, Bình Định, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp… chưa chắc đã dám mạo hiểm lên tuyển (nếu được gọi), vì các em đều đang ở tuổi học phổ thông. Như vậy, tuyển nữ hiện tại chỉ còn lại 3 gương mặt Lương Thị Tám, Vũ Thị Hà và Vũ Trà My (theo danh sách triệu tập hồi tháng 3) chuẩn bị cho các giải quốc tế sắp tới. "Tôi nói thật, bây giờ các địa phương sợ giao VĐV trẻ cho đội tuyển lắm. Cứ ra rồi về là chơi sa sút, chơi mất lửa hẳn. HLV tụi tôi nói vui đó là cái lò nghiền quân ", một HLV có tiếng ở phía Nam than vãn.
Cách đây 1-2 năm, tay vợt trẻ Nguyễn Thị Thiên Kim của Tiền Giang nổi lên như một hiện tượng với lối đánh mạnh, quyết liệt và đầy triển vọng, sau Mai Hoàng Mỹ Trang. Khi còn trong biên chế của tuyển trẻ, Kim chơi vẫn tốt, nhưng đến lúc chuyển lên tuyển QG thì yếu dần. Từ chỗ là đối trọng của Xuân Hằng, Mỹ Trang ở các giải trong nước, thì giờ đây Kim rớt khỏi danh sách gọi tập trung ĐTQG. Cách đây cũng chưa lâu, Kim còn là thành viên của tuyển bóng bàn Việt Nam dự Asian Games 2006 ở Qatar.
… ĐẾN CHUYỆN TÌM KHÔNG RA THẦY GIỎI
Nếu đơn giản chỉ vì chuyện học, chưa chắc bóng bàn nữ đã lâm vào cảnh bi đát như hiện nay. Sâu xa hơn, người ta thấy còn có nhiều nguyên nhân khác nữa khiến các địa phương sợ giao quân cho đội tuyển. "Ra đó có thầy đâu mà tập. Rồi lại chơi bời, lại tập hời hợt chứ gì. Nên chúng tôi ngại để các cháu lên tuyển, vừa thiếu thầy kèm, vừa mất học văn hóa. Tương lai của tụi nhỏù rồi sẽ ra sao?", nhiều HLV không ngại khẳng định như vậy.
Lâu lắm rồi, bóng bàn nữ Việt Nam không có HLV chuyên trách thực sự. Mỗi năm một thay đổi theo lệnh điều động của lãnh đạo bộ môn. Giáo án huấn luyện của ông thầy trước chưa ráo mực, đã có lệnh thay ông thầy mới vào. Cách thay đổi người xoành xoạch ấy chưa từng mang lại cho đội nữ thành tích đáng kể nào, mặc dù chúng ta cũng còn khối HLV có chuyên môn tốt như Nguyễn Đình Phiên, Nguyễn Thế Ngọc, Nguyễn Minh Hiền, Nguyễn Minh Đạt, Từ Nhân Luân, hay kể cả HLV trẻ Ngô Thu Thủy. Không thể so sánh với tuyển nam. Bởi đó là nơi "làm ra" thành tích quốc tế, kéo theo cả nguồn lợi lớn cho những ai nắm đội, chứ chẳng phải bèo bọt như tuyển nữ, từ lâu không thể cạnh tranh ngôi vị ở khu vực cùng Singapore, Thái Lan và Indonesia.
Nghe đâu lãnh đạo bộ môn có đánh tiếng mời chuyên gia Ngũ Thanh Vỹ (Trung Quốc) trở lại nắm ĐTQG từ giữa năm trước để huấn luyện cả đội nam lẫn đội nữ. Nhưng mãi tới giờ vẫn bặt tăm. Nếu ông Vỹ đồng ý thì tốt quá. Đó là một người bạn, một chuyên gia giỏi và nhiệt huyết khi giúp đỡ Việt Nam. Nhưng những lần mời ông trước đây chỉ theo thời vụ, mời quýnh quáng vài tháng dẫn dắt ĐTQG dự SEA Games cho xong rồi thôi. Nên, có bao giờ chúng ta tận dụng hết được tài huấn luyện, tài cầm quân của ông Vỹ đâu. Cứ với cách làm nửa vời như hiện nay, đừng ai mong bóng bàn nữ sẽ khởi sắc!
LÊ QUANG