Vì gia đình chiến sĩ đảo xa

Góp sức trợ giúp nhiều mặt cho gia đình cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) Hải quân có hoàn cảnh khó khăn là nội dung của Chương trình “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo” do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng. Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sẽ có thêm một nguồn động viên từ chương trình thiết thực này, càng yên tâm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vì gia đình chiến sĩ đảo xa

Góp sức trợ giúp nhiều mặt cho gia đình cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) Hải quân có hoàn cảnh khó khăn là nội dung của Chương trình “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo” do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng. Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sẽ có thêm một nguồn động viên từ chương trình thiết thực này, càng yên tâm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

        Chút quà tình nghĩa

Hội trường Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng 5 Hải quân chiều 9-9 có không khí vừa trang trọng vừa rộn ràng. Từ các đồng chí chỉ huy cao nhất của BTL Vùng 5, đến đông đảo CB-CS và các cháu học sinh - con em của họ, đang sống và học tập trên đảo Phú Quốc, có mặt đón chào đoàn công tác của báo chí từ TPHCM ra thăm, tặng quà và trao học bổng. Một ngày sau, tại Thổ Chu - cùng nội dung trên, đoàn nhà báo đã đến với hòn đảo xa nhất trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Với Báo SGGP, đây là hoạt động đầu tiên của Chương trình “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo” - một chương trình được kỳ vọng sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo bạn đọc, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... vì ý nghĩa cao đẹp của nó.

Nhà báo Trần Minh Trường, Trưởng Văn phòng Báo SGGP tại TP Cần Thơ, đại diện Báo SGGP tặng quà, trao học bổng các học sinh là con em CB-CS Vùng 5 Hải quân vượt khó học giỏi.

Nhà báo Trần Minh Trường, Trưởng Văn phòng Báo SGGP tại TP Cần Thơ, đại diện Báo SGGP tặng quà, trao học bổng các học sinh là con em CB-CS Vùng 5 Hải quân vượt khó học giỏi.

30 suất học bổng tặng cho 30 cháu học sinh trên đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu - là món quà ban đầu dành chăm lo gia đình CB-CS Hải quân Vùng 5 có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi rất xúc động khi nghe giới thiệu về hoàn cảnh của các cháu. Từ bậc học mẫu giáo đến lớp 12, các cháu được nhận học bổng lần này nằm trong số các gia đình CB-CS có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất: Cháu Trần Thu Hà đang học lớp 3, mồ côi cha, con của chị nuôi quân Phùng Thị Hiền; cháu Dương Thị Hương Giang học lớp 5, có cha là trung úy Dương Minh Dụng đang mắc bệnh u não; cháu Nguyễn Thị Mai học lớp 12, có mẹ mất sớm, con của đại úy máy trưởng Nguyễn Duy Hùng…

Hầu hết CB-CS có con nhận học bổng lần này đều đang phải thuê nhà ở, trong khi vợ của họ không có việc làm. Cậu bé Đinh Tuấn Ninh, ở đảo Thổ Chu, đang học lớp 5, con của thiếu úy Đinh Văn Vọng, đã nói thay cho cả nhóm bạn: “Chúng cháu xuất thân từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ của cha mẹ, gia đình phải ra đảo sinh sống. Nhiều khó khăn, thiếu thốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Dù vậy chúng cháu đã luôn cố gắng. Được các chú ở Báo SGGP trao học bổng, chúng cháu thật vui mừng và xúc động”.

Nghe cậu bé nói, chúng tôi hiểu thêm rằng, gia đình vợ con đã và đang phải chịu hy sinh, chia sẻ nỗi lo toan khó nhọc đời thường của người lính đảo thật nhiều. Bù lại, sự sum vầy của mỗi gia đình bộ đội nơi đầu sóng ngọn gió chính là nguồn động viên lớn lao cho mỗi CB-CS yên tâm bám biển, bám đảo làm nhiệm vụ. Sẽ thật quý giá biết bao nếu người lính và gia đình họ được quan tâm, trợ giúp nhiều hơn từ cộng đồng…

        Nỗi lo an cư

Trước khi tới với Vùng 5 Hải quân, quả thật chúng tôi không ngờ điều kiện về nhà ở của CB-CS ở đây còn quá khó khăn chật vật. Một cán bộ Phòng Chính sách cho biết, hiện tại, có chưa tới 20% số gia đình CB-CS được cấp nhà ở hoặc được cấp đất để họ tự xây dựng. Trong số 80% còn lại hoặc nhờ dành dụm nhiều năm mua được mảnh đất nhỏ, cất căn nhà cấp 4 hoặc phải chấp nhận đi thuê nhà để đưa được vợ con vào ở cùng. Có đến hơn 400 CB-CS đang phải thuê nhà. Chúng tôi đến thăm gia đình Thượng úy Trần Đình Mão, 19 năm tuổi quân, thợ sửa chữa điện tăng tại tổ 7, ấp 4, thị trấn An Thới. Căn nhà tuềnh toàng, rộng chừng 40m², phía ngoài phòng khách trống trơn, không một bộ bàn ghế. Phía sau nhà được quây thành chỗ chăn nuôi heo gà. Với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền thu được từ 3 lứa heo khoảng 15 triệu đồng/năm do người vợ lo, gia đình Thượng úy Mão phải co kéo rất khéo mới có thể chu toàn cho 2 đứa con đang học lớp 2 và mẫu giáo; đồng thời còn nhín gửi về quê chút đỉnh phụ đỡ ông bà ngoại các cháu đã trên 70 tuổi.

Một căn hộ đi thuê rộng chừng 20m² giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/tháng, rồi còn phải mua nước, mua điện giá 9.000 - 12.000 đồng/kW là khoản chi phí không nhỏ đối với gia đình sĩ quan cấp úy. Để có thể định cư lâu dài cho gia đình mình gần ngay nơi đóng quân, hàng trăm CB-CS ở đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu đã phải suy tính rất nhiều. Họ đang cố gắng vượt khó, hy vọng tìm kiếm được việc làm phù hợp cho vợ khi chuyển cư vào đây. Dù vậy, số vợ CB-CS đang công tác cùng chồng trong các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân hoặc các cơ quan, đơn vị bên ngoài chỉ là số ít. Đa phần những người vợ lính phải tìm thêm thu nhập phụ vào đồng lương của chồng bằng những việc như buôn bán nhỏ, chăn nuôi, nấu rượu… Chị Đinh Thị Lợi, vợ của một trung úy thợ hàn cho biết, chị đang mượn đất trồng rau đủ loại muống, cải, đậu, bí… vừa để gia đình sử dụng và bán được chút đỉnh. Chị Lợi cười khá lạc quan: “Mong là gia đình tôi sẽ dần vượt qua khó khăn để định cư luôn tại nơi chồng tôi công tác đã 20 năm nay; lo cho 2 cháu ăn học, trưởng thành”.

Được biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã thuận chủ trương cấp đất cho CB-CS Hải quân Vùng 5 làm nhà ở. Mong rằng điều tốt đẹp trên sớm thành hiện thực. Và khi ấy, ngoài nỗ lực tự thân, người lính đảo rất cần sự trợ giúp từ nhiều nguồn để họ có thể có được ngôi nhà mang tên “nhà đồng đội” đầy ắp nghĩa tình.

THƯ NAM

Tin cùng chuyên mục