Trước nguy cơ vi khuẩn E.Coli mới đang hoành hành ở châu Âu xâm nhập và lây truyền, Bộ Y tế và các địa phương đang gấp rút triển khai các hoạt động phòng chống, giám sát và đẩy mạnh kiểm dịch y tế biên giới. Chủng vi khuẩn mới này có độc tố lực mạnh, nhưng khó lây từ người sang người. Thế nhưng, chúng ta không nên chủ quan bởi vi khuẩn E.Coli vẫn đang lưu hành ở nước ta.
- Siết chặt giám sát dịch
Trước tình trạng chủng vi khuẩn E.coli mới được phát hiện ở châu Âu đang làm hàng ngàn người mắc bệnh, với hơn 20 ca tử vong, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khẩn cấp yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc tiêu chảy cấp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn E.Coli, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch.
Đặc biệt đối với những tỉnh thành có cửa khẩu biên giới phải tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, cách ly điều trị các trường hợp có sốt cao và tiêu chảy cấp nhằm giảm thiểu việc lây nhiễm E.Coli vào nước ta. Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra ATVSTP, tập trung giám sát thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý các cơ sở không đạt tiêu chuẩn về ATVSTP theo quy định.
Ngày 10-6, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội triển khai hoạt động giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Theo đó, phải phát hiện sớm hành khách có các biểu hiện sốt và tiêu chảy cấp, cách ly và chuyển tuyến điều trị kịp thời ngăn ngừa việc lây nhiễm E.Coli (EHEC) vào thành phố.
Các bệnh viện phải tiến hành khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân tiêu chảy cấp nghi nhiễm E.Coli để cách ly, điều trị hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của bệnh nhân, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng. Ngành y tế Hà Nội cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra ATVSTP trên địa bàn thành phố, nhất là các cơ sở cung cấp, kinh doanh thực phẩm tươi sống, cơ sở thức ăn đường phố.
- Không chủ quan
GS-TSKH Phùng Đắc Cam, chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn gây bệnh đường ruột tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và là chuyên gia Trung tâm Phòng chống bệnh châu Âu cho biết: Dựa vào kháng nguyên E.Coli được phân thành 700 tuýp huyết thanh, còn dựa vào khả năng gây tiêu chảy, E.Coli được phân chia làm 5 loại gồm: E.Coli EPEC gây bệnh đường ruột, ETEC sinh độc tố ruột, EIEC xâm nhập ruột giống hội chứng lỵ, EHEC gây xuất huyết ruột và EAEC gây bám dính ruột. Trong đó, đáng chú ý, loại vi khuẩn E.Coli đang gây dịch tiêu chảy nghiêm trọng ở nhiều nước châu Âu được coi là một chủng hoàn toàn mới, có độc lực mạnh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với những chủng cũ chính là chủng EHEC gây xuất huyết ruột.
Đây là loại E.Coli độc nhất trong 5 loại E.Coli kể trên, vì không chỉ gây tiêu chảy mà còn sinh ra các độc tố gây xuất huyết đường ruột, gây hội chứng tan máu, suy thận, sốc và tỷ lệ tử vong rất cao.
Khi nhiễm bệnh, người bệnh có thể có biểu hiện lâm sàng như: tiêu chảy phân không có máu, viêm đại tràng xuất huyết và hội chứng xuất huyết. Bệnh diễn biến rất nhanh, sau 2 - 3 ngày, bệnh nhân đã có thể đi ngoài ra máu, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhanh chóng dẫn tới suy thận, sốc và tử vong. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa tìm thấy loại vi khuẩn này.
GS Phùng Đắc Cam cũng cho biết, sự lây truyền của EHEC thường qua đường thực phẩm, qua nguồn nước hoặc trực tiếp từ người này sang người khác. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người thấp, chủ yếu là do ngoại cảnh, ăn uống phải nguồn thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm bẩn. Hơn nữa, đây là bệnh cấp tính, khi bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh thường có biểu hiện ngay nên ít có khả năng di chuyển. Vì vậy, ít có khả năng dịch lan rộng ra các nước, trong đó có Việt Nam.
GS Phùng Đắc Cam cũng cảnh báo, Việt Nam là nước bị tiêu chảy do vi khuẩn E.Coli rất nhiều và thường xảy ra quanh năm, hơn nữa vi khuẩn E.Coli đang lưu hành ở nước ta nên không được chủ quan.
NGUYỄN QUỐC