

Theo tôi, muốn có một xã hội văn minh thì trước tiên mỗi người phải sống có văn hóa. Ở đây, “văn hóa” được hiểu là “tổng thể những thích nghi hợp lý nhất của con người với các điều kiện sinh sống trong xã hội” (theo định nghĩa của William Graham Sumner - một viện sĩ người Mỹ). Như vậy người có văn hóa phải là một người biết tiết chế những thói quen cá nhân để đáp ứng lợi ích cho gia đình và xã hội.
Tôi thừa nhận là cơ sở hạ tầng của chúng ta còn nhiều yếu kém, song tại sao mọi người không chung tay khắc phục sự yếu kém đó? Thùng rác công cộng ở ta còn thiếu thì tại sao không cư xử được như người dân Singapore, gói rác thải của mình vào bao ni lông, chờ khi nào gặp được thùng rác mới lấy ra bỏ đúng vào thùng?
Đường phố chúng ta còn nhếch nhác do hàng quán, chợ tự phát bày bán lung tung thì tại sao mỗi người dân không cương quyết nói “không” với thức ăn lề đường và mua hàng hóa cho tiện đường? Không còn người mua thì tất nhiên người bán cũng phải dẹp tiệm hoặc bán hàng đúng nơi đúng chỗ quy định.
Nói tóm lại, xây dựng nếp sống văn minh không khó, quan trọng là người dân có tự ý thức được và bắt tay chung sức thực hiện hay không. Mặt khác tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng: những gì đã gọi là “nếp” cũ thì tất nhiên phải cần một sự kiên trì trong một khoảng thời gian đủ dài mới có thể trở thành thói quen mới thật sự. Vì thế, những gì chưa làm được thì năm nay và những năm sau, TP tiếp tục hoàn thiện.
Thực tế cho thấy bộ mặt đô thị của chúng ta đang xấu đi là do còn nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa như cố tình cho xe leo lề, vượt đèn đỏ, băng đường trái phép hay những thói quen xấu: vứt rác bừa bãi xuống lòng sông, miệng cống, lòng, lề đường...
Nhiều người than vãn rằng TP chúng ta còn quá thiếu thùng rác công cộng nhưng tại ngay nơi đặt thùng rác công cộng, rác thải vẫn bị vứt tứ tung không đúng chỗ (ảnh). Phải chăng đây là thói quen xấu và xem thường công sức giữ gìn đường phố sạch đẹp của những công nhân vệ sinh?
Sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một ai đó hoặc những hành vi xấu, thói quen xấu phải bị lên án, đả kích kịch liệt và xóa bỏ dần để nó không có điều kiện lây lan trong công cuộc gầy dựng xã hội văn minh và con người có văn hóa thực thụ.
NGUYỄN THỊ THU