Trái ngược với thái độ cứng rắn của Chính phủ Pháp trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân, nhiều doanh nghiệp nước này đang rất nóng lòng quay trở lại Iran. Cùng với sự xuất hiện của chính phủ mới tại Tehran vào tháng 8 vừa qua, hàng loạt tập đoàn trong ngành công nghiệp ô tô, năng lượng, xây dựng, điện tử của các quốc gia phương Tây đang hy vọng lệnh cấm vận Iran sẽ sớm được dỡ bỏ phần nào. Tìm kiếm lợi ích từ Iran là điều mà không ai có thể làm ngơ. Thụy Điển, quốc gia trung hòa trong các vấn đề quốc tế cũng phải lên tiếng. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Carl Bildt, cho rằng, không có lý do gì mà Liên minh châu Âu (EU) không nới lỏng lệnh trừng phạt Iran vào đầu năm sau.
Sức hấp dẫn từ Iran là điều không thể phủ nhận. Iran có một thị trường hứa hẹn với 78 triệu người tiêu thụ, trong đó có 26 triệu người đang tham gia thị trường lao động. Đất nước có trữ lượng khí đốt hàng đầu, trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới này có điều kiện xã hội ổn định hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tầng lớp trung lưu có giáo dục và dân cư đô thị hiện có nhu cầu về hàng tiêu dùng, thiết bị hiện đại tương đối cao. Điều quan trọng nhất, Iran là thị trường lớn cuối cùng đứng ngoài Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì thế, các quốc gia châu Âu đang trong tình trạng bão hòa, đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nợ công, thất nghiệp đang “khát” hợp đồng không thể bỏ qua thị trường béo bở, khá thông thoáng này.
Bản thân Iran, bị trừng phạt vì thái độ quá cứng rắn đối với chương trình hạt nhân, cũng lâm vào thế khó. Tỷ lệ lạm phát ở Iran hiện là 31%, tỷ lệ thất nghiệp theo thống kê là 12% nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Trong khi đó, nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh, đồng nội tệ mất giá 80%. Chảy máu chất xám với trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 - 15.000 lao động trí thức rời bỏ đất nước cũng là bài toán nan giải đối với Iran. Chính phủ nước này vì thế đã có những thay đổi tích cực, tỏ thái độ hợp tác hơn. Tuần trước, các thanh sát viên LHQ đã đến thăm cơ sở hạt nhân Arak của Iran, lần đầu tiên trong 2 năm qua. Trước đó, Iran cũng đã cam kết sẽ không thực hiện chương trình làm giàu uranium ở mức 5% trong vòng 6 tháng, đồng thời tháo dỡ tất cả kết nối kỹ thuật cho phép làm giàu uranium. Động thái mang tính bước ngoặt này chính là cách để Iran và các tập đoàn tư nhân nước ngoài dễ dàng bắt tay. Đầu tháng 12, Iran đã gián tiếp “bật đèn xanh”, đưa ra danh sách 7 tập đoàn nước ngoài mà quốc gia này mong muốn nối lại hợp tác, theo thứ tự bao gồm: tập đoàn dầu mỏ Total (Pháp), công ty dầu khí đa quốc gia liên kết giữa Hà Lan và Anh Royal Dutch Shell, tập đoàn dầu khí ENI (Italia), BP (Anh), Statoil (Na Uy), Exxon Mobil và ConocoPhillips (Mỹ). Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định, Iran vẫn “ưu tiên” hợp tác với phương Tây trong khi khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ cũng là lựa chọn mà Iran đang cân nhắc. Hồi tháng 9, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran H.Rouhani, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng thừa nhận rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ mong muốn quay trở lại Iran.
Với những diễn biến mới của nền kinh tế thế giới, một thị trường hấp dẫn và có trữ lượng dầu mỏ chiếm 10% trữ lượng thế giới như Iran đang là mục tiêu dòm ngó của các tập đoàn kinh tế lớn. Việc các chính phủ phương Tây gần đây dịu giọng với Iran cũng không nằm ngoài mục đích phục vụ lợi ích các tập đoàn tư bản của họ.
NHƯ QUỲNH