Dù còn nhiều khó khăn về quản lý chất thải ở Indonesia, nhưng một số hoạt động thiết thực đang được thực hiện có thể cho phép người dân xứ vạn đảo nghĩ đến tương lai xanh, sạch hơn.
Để thực hiện, Chính phủ Indonesia đã ban hành một nghị định về đẩy nhanh tiến trình tái chế rác thải thành năng lượng, mang đến một luồng gió mới và lạc quan cho sự phát triển của hoạt động xử lý rác thải ở nước này. Đi đôi với nỗ lực từ chính quyền nâng cao vai trò của các cơ sở tái chế vật liệu (MRF) và xác định các công nghệ xử lý phù hợp, giải pháp tạm thời mà người dân địa phương áp dụng là quản lý chất thải dựa vào cộng đồng (CBWM). Một đề xuất được coi là khả thi và tiết kiệm trong quản lý chất thải tại Indonesia là chôn lấp chất thải.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện khí methane và năng lượng mặt trời kết hợp cũng có thể là một lựa chọn để xử lý vấn đề rác thải như ESC Indonesia, một công ty tư vấn môi trường đã áp dụng hồi năm 2015.
Nhiều ý kiến cho rằng việc giảm bớt rác do con người xả ra là ưu tiên hàng đầu trong quản lý chất thải khi chưa có công nghệ nào đóng vai trò như một giải pháp chung xử lý rác thải toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhà chức trách Indonesia cũng nên nghiên cứu tái chế chất thải nhựa thành vật liệu xây dựng, song cần nghiên cứu kỹ về tác động đối với môi trường cũng như độc tính. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng chuyển đổi chất thải thành năng lượng bằng cách đốt cháy là lựa chọn tốt nhất cho các nước đang phát triển. Đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng công nghệ lò đốt đòi hỏi chi phí lớn và cũng gây ra các vấn đề về môi trường, trong khi phương pháp ủ phân cũng như tái chế chất thải phù hợp hơn trong quản lý chất thải đô thị.
Họ dẫn chứng việc Chính phủ Nga vừa qua đã thông qua dự án xây dựng 5 nhà máy sản xuất điện từ đốt rác thải, mỗi nhà máy có khả năng xử lý 700.000 tấn rác/năm, với công suất 70 MW điện. Tuy nhiên, các dự án xây dựng không nhận được sự đồng tình của cư dân do lo ngại lượng khí thải sản sinh từ hoạt động của nhà máy cũng đe dọa cuộc sống của người dân không kém so với rác thải.
Đáp lại các ý kiến này, ADB cho rằng việc chuyển hóa thành phân hữu cơ vẫn đang gây nhiều tranh cãi tại Indonesia, do nguyên liệu cho máy ủ có thể là chất thải hỗn hợp độc hại chưa được phân loại. ADB cũng lưu ý các phương án ủ phân sử dụng phế liệu thực phẩm thường thất bại, trừ khi có nhu cầu phân hữu cơ bền vững tại địa phương.
Tiến sĩ Aretha Aprilia, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái chế của Indonesia, cho rằng dù bất kể lựa chọn biện pháp nào để xử lý chất thải, con người phải nâng cao ý thức trong giảm thiểu và phân loại rác. Trong khi đó, việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải và thực hiện hệ thống về cơ bản là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tất cả các bên liên quan cần thực hiện những nỗ lực ngay lập tức vì một môi trường sống xanh.