Vì Nga, Syria cam kết từ bỏ vũ khí hóa học

Ngày 13-9, cuộc hội đàm nhằm tìm ra giải pháp tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính phủ Tổng thống Assad giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bước sang ngày thứ hai với hy vọng sớm thu được kết quả khả quan.
Vì Nga, Syria cam kết từ bỏ vũ khí hóa học

Ngày 13-9, cuộc hội đàm nhằm tìm ra giải pháp tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính phủ Tổng thống Assad giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bước sang ngày thứ hai với hy vọng sớm thu được kết quả khả quan.

        Cuộc hội đàm cam go

Kết thúc ngày hội đàm thứ hai, Ngoại trưởng Kerry và Lavrov khẳng định hai bên tiếp tục tìm kiếm sự thống nhất trong tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. Ngoại trưởng hai nước đồng ý tiến hành cuộc hội đàm thứ hai vào ngày 28-9 để thảo luận vấn đề trên.

Trong khi đó, phía Syria đã có những động thái thể hiện thiện chí trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đại sứ Syria tại Liên hiệp quốc, ông Bashar Ja’fari tuyên bố Syria đã trở thành thành viên đầy đủ của Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hóa học sau khi nộp đơn tại Liên hiệp quốc. Trước khi Syria nộp đơn yêu cầu gia nhập hiệp ước này, Tổng thống Assad đã tuyên bố Damascus sẵn sàng từ bỏ vũ khí hóa học vì đồng minh Nga chứ không phải do sự đe dọa tấn công từ phía Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng có lẽ do chính vì điều này đã khiến chính phủ Tổng thống Obama không hài lòng. Bởi sau nhiều sức ép trong hơn 2 năm qua, Chính phủ Syria chưa bao giờ tỏ ra khuất phục kể cả sau lời đe dọa tấn công mới đây nhưng chỉ khi Nga lên tiếng đề xuất, ông Assad mới sẵn sàng đồng ý.

Ông Paul Craig Roberts, chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược Hoover cho rằng Nga là vật cản lớn nhất đối với tham vọng của Washington trong việc kiểm soát khu vực Trung Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Lavrov sau cuộc hội đàm hai bên.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Lavrov sau cuộc hội đàm hai bên.

Điều này thể hiện rõ sau khi kết thúc ngày hội đàm đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Đây không phải là trò chơi”. Hãng Reuters nhận định, câu nói của ông Kerry nhằm ám chỉ việc ông Assad đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Washington vẫn còn kế hoạch tấn công Syria, nếu nước này cảm thấy “chưa hài lòng”.

        Dư luận Mỹ dậy sóng vì ông Putin

Trong khi đó, sau bài viết của Tổng thống Putin đăng trên tờ New York Times chỉ trích lập trường cứng rắn của Mỹ đối với chế độ của Tổng thống Syria Assad, tại Mỹ đã nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt. Những nhân vật cấp cao trong chính phủ Mỹ như Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Thượng nghị sĩ John McCain không tiếc lời phản bác bài viết của Putin.

Trong bài ở mục “Ý kiến” trên tờ New York Times, giải thích về việc Nga phản đối dùng vũ lực chống Syria, ông Putin cho rằng một cuộc tấn công quân sự có thể làm gia tăng bạo lực trong khu vực, mở ra một làn sóng mới của chủ nghĩa khủng bố và cướp thêm mạng sống của những nạn nhân vô tội. Tuy nhiên, một số ít người khen ngợi bài báo của Putin. Pat Buchanan, nhà bình luận chính trị bảo thủ, cho rằng đó là một bài viết nổi bật. Nhà báo này cho rằng, ông Putin đưa ra lập luận chống lại việc Mỹ tấn công Syria tốt hơn so với điều Tổng thống Mỹ Obama đã nói trong bài phát biểu trước toàn dân ngày 11-9.

Ở Mỹ hiện nay còn bị chia rẽ bởi hai luồng dư luận trái chiều. Giới truyền thông Mỹ, nổi bật là trang tin Fox News kêu gọi Washington không nên quá phụ thuộc vào kế hoạch của Nga vì Nga đang làm cho Mỹ bẽ mặt. Những tờ báo lớn như Washington Post, Washington Times tỏ ra khá thận trọng và dồn sự tập trung về kết quả cuộc hội đàm Nga - Mỹ. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng việc giải quyết vấn đề Syria có nhanh chóng hay không đang phụ thuộc phần lớn vào quan hệ vốn không mấy êm đẹp giữa hai bên.

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Syria trở thành thành viên Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hóa học của LHQ

Tin cùng chuyên mục