Vì “Nữ sinh hiếu học vượt khó”

Đó là tên gọi của chương trình học bổng do Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện trong suốt 26 năm qua. Cũng ngần ấy năm, với sự đồng hành của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm, chương trình đã tặng hơn 6.000 học bổng với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng. Nhiều nữ sinh hiếu học được tiếp sức từ học bổng này đã có thêm điều kiện bước vào giảng đường đại học…
Vì “Nữ sinh hiếu học vượt khó”

Đó là tên gọi của chương trình học bổng do Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện trong suốt 26 năm qua. Cũng ngần ấy năm, với sự đồng hành của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm, chương trình đã tặng hơn 6.000 học bổng với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng. Nhiều nữ sinh hiếu học được tiếp sức từ học bổng này đã có thêm điều kiện bước vào giảng đường đại học…

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, trao học bổng tặng các nữ sinh vượt khó hiếu học sáng 27-8

Sáng 27-8, có dịp tham dự lễ trao học bổng năm học 2016 - 2017 tặng 600 nữ sinh vượt khó hiếu học, là con các chị đang công tác tại các cấp hội phụ nữ, các chị công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, học sinh phổ thông ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh, mới thấu được tình cảm của người nhận và cả người cho. Với tổng trị giá học bổng 1,2 tỷ đồng và những phần quà phục vụ học tập, các nhà tài trợ đồng hành chương trình và các nữ sinh được nhận học bổng như đồng cảm nhau hơn. Người cho hiểu việc mình làm là thiết thực, người nhận biết trân quý tấm lòng của xã hội, nâng bước các em đến trường. Vì lẽ đó, theo thống kê của ban tổ chức, hàng năm, trung bình có trên 85% nữ sinh THPT nhận học bổng thi đậu các trường đại học. Cụ thể, năm học 2010 - 2011 có 19/24 em, năm học 2012 - 2013 có 32/34 em, năm học 2013 - 2014 có 16/19 em đậu vào các trường Đại học Kinh tế, Sư phạm, Kiến trúc…

Chị Cao Thị Hạnh Nhung, người từng nhận học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” suốt 5 năm liền (từ lớp 8 đến lớp 12) cho biết, năm 2008, chị trúng tuyển Học viện Hành chánh TPHCM. Năm 2012 tốt nghiệp, về công tác ở huyện Cần Giờ (TPHCM) và trở thành cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Năm 2016, chị Nhung đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Từ khi là cán bộ hội, mỗi năm chị tham gia 2 lần hiến máu nhân đạo, đồng thời tích cực hoạt động xã hội từ thiện, đóng góp quỹ người nghèo, quỹ khuyến học, giúp học bổng học sinh nghèo tại địa phương... Có mặt tại buổi trao học bổng, chị Nhung xúc động: “Nhìn các em, tôi nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa nên rất muốn làm gì đó cho các em trong khả năng của mình. Tôi không có nhiều tiền, đồng lương ít ỏi, tôi chắt chiu dành tặng các em, chỉ mong sao các em có thể tiếp tục đến lớp”.

Tựu trường năm nay lên lớp 6, em Đặng Kim Ngọc, học sinh Trường Tiểu học Bùi Thanh Khiết (huyện Nhà Bè) tươi tắn trong bộ đồng phục học sinh đến nhận học bổng, với mong muốn: “Ước mơ của em mai này trở thành một luật sư hoặc giảng viên dạy tiếng Anh”. Giao lưu với các cô chú và các bạn nữ sinh cùng cảnh ngộ, Kim Ngọc kể: “Em vẫn nhớ như in lời ba dạy: Phải ráng học hành tới nơi tới chốn để trở thành người đàng hoàng. Phải học mới tạo cho mình cuộc sống tốt và giúp được việc có ích cho xã hội”. Xúc động hơn khi được biết, ba em trước là công an xã Phước Lộc (Nhà Bè), đã qua đời năm 2012. Mẹ làm tạp vụ, rồi giúp việc nhà, thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Gia đình thật khó khăn nhưng em vẫn vượt qua nghịch cảnh để vươn lên học tốt. Kỷ niệm và lời ba dạy trong câu chuyện em kể, phần nào nói lên được khát khao được học hành đến nơi đến chốn để mai sau giúp ích cho đời!

Hoàn cảnh gia đình của em Trịnh Phương Uyên, năm nay lên lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), rất đáng thương, ba mẹ ly hôn khi em mới học lớp 5. Suốt 11 năm liền, em đều là học sinh giỏi.  Sống với bà ngoại, Uyên vừa học vừa phụ bà ngoại bán tạp hóa. Hè năm nay, em làm thêm việc bưng bê tại quán cà phê từ 6 giờ đến 15 giờ. Không  có tiền học hè nên hàng ngày Uyên phải thức đến 24 giờ và dậy lúc 4 giờ để học bài, củng cố kiến thức chuẩn bị năm học mới. Kể về kỷ niệm cuộc đời mình, em cho biết, năm lớp 9 em đoạt giải ba môn Văn cấp thành phố. Đề bài năm ấy nói về “Tình yêu thương cho đi không cần nhận lại” của nhà văn Nhật Bản. Lấy chuyện nhà mình làm chất liệu để minh họa bài viết, trong đó em kết luận “gia đình mình thiếu tiền chứ không thiếu yêu thương”. Bài văn đã đạt điểm cao trong kỳ thi năm ấy.

* * *

600 nữ sinh có mặt trong hội trường, mỗi em một hoàn cảnh, nhưng đều giống nhau ở chỗ biết vượt lên khó khăn để học giỏi, để khỏi phụ lòng một chương trình học bổng mà cả cộng đồng đã gửi gắm bao yêu thương và niềm tin trong đó!

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục