Kết quả khảo sát dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM mới đây cho thấy, an toàn thực phẩm đang là vấn đề người dân bức xúc đứng thứ 3 (sau giá cả và ngập nước). Tại chương trình tọa đàm “Nói và Làm” do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện vào sáng 7-3, một lần nữa, vấn đề này được đưa ra mổ xẻ, truy trách nhiệm…
Không an toàn từ khâu... sản xuất
Ông Trần Văn Nho, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Yên, khách mời của chương trình, nói: Vốn lớn nhất của con người là sức khỏe. Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trong năm qua, cả nước nói chung và TPHCM đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm; đáng lo ngại là tại các cơ sở sản xuất nước đóng chai. Trong khi đó, việc phối hợp quản lý, thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng và còn chồng chéo. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu nhìn nhận: Năm 2009, tại TPHCM mặc dù ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ so với năm 2008 nhưng tình hình vẫn đáng lo ngại. Điều kiện kinh doanh tại các chợ tự phát không đảm bảo trong khi việc xử lý lại khó. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép tại khu vực nông thôn vẫn còn phổ biến.
Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hàng rong kém chất lượng đang là vấn đề đau đầu đối với cơ quan quản lý... “Giám đốc Sở Y tế cho rằng số vụ ngộ độc giảm nhưng tính chất của nó thế nào?” - Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Nguyễn Văn Minh chất vấn. Ông Châu trả lời: Nếu như trước đây, phần lớn số vụ ngộ độc do vi sinh nhưng năm 2009, đa phần số vụ ngộ độc do hóa chất, độc chất có trong phụ gia.
Trong khi đó, phản ánh từ thực tế người trồng rau tại phường Tân Thới Hiệp (quận 12) của bà Nguyễn Thị Hồng Nga khiến nhiều người giật mình: Ở khu vực của bà sinh sống, không ít người trồng rau đêm hôm trước phun xịt thuốc cho rau xanh tốt để hôm sau mang ra chợ bán. “Bản thân họ còn không dám ăn rau của mình. Trong khi cơ quan chức năng lâu lâu mới xuống kiểm tra” - bà Nga nhấn mạnh.
Một đại biểu cho biết, vi phạm phổ biến là thay đổi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng. Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm phải được quan tâm từ khâu sản xuất, lưu thông, chế biến đến tiêu dùng.
Chế tài mạnh, xử lý nghiêm
Từ thực tế đó, rất nhiều giải pháp đề ra cho vấn đề “nóng” này. Theo Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại (Saigon Co.op) Nguyễn Ngọc Hòa, thực phẩm tại các siêu thị được kiểm tra nghiêm ngặt và khá an toàn. Do vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện kênh phân phân phối để hàng hóa tại các siêu thị đến tay người tiêu dùng nhiều hơn nữa. Đồng thời, phải liên kết đầu tư hình thành chuỗi phân phối sản phẩm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Châu nói: Nếu xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm, trước mắt với 3 mặt hàng rau quả, trứng và thịt thì sẽ giải quyết được hành vi thay đổi xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Đại diện Ban quản lý chợ Bình Điền cho rằng: Cần nhanh chóng xây dựng trung tâm kiểm tra chất lượng hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền, có như vậy người tiêu dùng sẽ an tâm hơn. Ngoài ra, cần hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Minh, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để xử lý thì cần kiện toàn bộ máy nhân sự đủ để quản lý, vì thực tế, lực lượng thanh kiểm tra hiện trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quá mỏng. Hàng loạt ý kiến của người dân qua hộp thư thoại của chương trình cùng đề xuất cần chế tài thật mạnh, xử lý thật nghiêm đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
* Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: “…An toàn thực phẩm cả nước nói chung và tại TPHCM còn nhiều tồn tại, bất cập và thách thức lớn. Một số tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm đã lạc hậu; năng lực bộ máy quản lý còn hạn chế trong khi cơ sở sản xuất kinh doanh, nhỏ lẻ thủ công quá nhiều nên công tác hậu kiểm chưa bao phủ. Đặc biệt, kinh doanh hóa chất, chất phụ gia chưa được quản lý chặt chẽ; diện tích trồng rau an toàn còn quá ít… Để giải quyết những tồn tại này cần kiện toàn bộ máy, nâng cao nâng lực quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra của các ngành, các cấp, các địa phương. Riêng nhà sản xuất phải tăng cường thêm nhiều sản phẩm có chất lượng. Người tiêu dùng phải thông minh chọn thực phẩm an toàn để sử dụng. Có như vậy mới tạo ra được sự đồng bộ, hiệu quả”. |
Vân Anh