Vi phạm Luật Bảo vệ môi trường có thể phải lao động công ích ​

Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính về BVMT, bên cạnh các hình thức xử phạt, dự thảo Luật bổ sung việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác để xử lý các hành vi vi phạm BVMT như: lao động công ích; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…
Vi phạm Luật Bảo vệ môi trường có thể phải lao động công ích
Vi phạm Luật Bảo vệ môi trường có thể phải lao động công ích

Chiều ngày 21-4, UBTVQH nghe các Tờ trình, Báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi.

Sau khi được bổ sung thêm 6 nhóm chính sách mới về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí đổi tên thành Luật BVMT (sửa đổi) với 16 chương và 192 điều, bao gồm 13 nhóm chính sách.

Đó là các nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; nội dung, trách nhiệm QLNN và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm QLNN về BVMT…

Trong nhóm chính sách về quản lý nhà nước đối với BVMT, đáng lưu ý là dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các cấp trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về BVMT.

Theo đó, bổ sung quy định về tần suất thanh tra BVMT (không quá một lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân, riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác BVMT là không quá 1 lần/ 2 năm liên tiếp, trừ trường hợp thanh tra đột xuất) để giảm phiền hà, chồng chéo cho doanh nghiệp.

Bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực BVMT được áp dụng theo quy định đặc thù không phải công bố, thông báo trước nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động này.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để tránh chồng chéo; quy định về hoạt động kiểm tra của lực lượng cảnh sát môi trường chỉ thực hiện khi có dấu hiệu tội phạm, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường hoặc theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Các quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo Luật cũng đã được điều chỉnh theo hướng nâng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT từ 2 năm lên 10 năm để đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Tăng mức phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (không khống chế mức phạt tiền tối đa mà có thể tính mức phạt theo giá trị số lợi thu được từ hành vi vi phạm); bổ sung cách tính mức phạt theo ngày, phạt lũy tiến theo kinh nghiệm các nước tiên tiến đang áp dụng; luật hóa trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là cán bộ phụ trách môi trường của doanh nghiệp.

Các lực lượng (thanh tra xây dựng, giao thông, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch…) sẽ được trao quyền xử lý vi phạm về BVMT nơi công cộng, trong hoạt động xây dựng, phương tiện tham gia giao thông; có cơ chế xử phạt nhanh bằng biên lai thu tiền trực tiếp.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính về BVMT, bên cạnh các hình thức xử phạt, dự thảo Luật bổ sung việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác để xử lý các hành vi vi phạm BVMT như: lao động công ích (theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã áp dụng); giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…

Tin cùng chuyên mục