Vi phạm trong quảng cáo: Chủ trương có nhưng khó... chấn chỉnh

Kể từ khi Luật Quảng cáo có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo được ban hành đến nay, tình hình quảng cáo tại TPHCM có đỡ hơn. Tuy nhiên trên thực tế, ở bức tranh toàn cảnh, TPHCM vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong lĩnh vực này: hàng ngàn bảng quảng cáo treo, đặt không đúng vị trí, bảng quảng cáo che kín mặt tiền nhà không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy… Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, các biển hiệu này còn đe dọa, ảnh hưởng đến trật tự an toàn của thành phố.
Vi phạm trong quảng cáo: Chủ trương có nhưng khó... chấn chỉnh

Kể từ khi Luật Quảng cáo có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo được ban hành đến nay, tình hình quảng cáo tại TPHCM có đỡ hơn. Tuy nhiên trên thực tế, ở bức tranh toàn cảnh, TPHCM vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong lĩnh vực này: hàng ngàn bảng quảng cáo treo, đặt không đúng vị trí, bảng quảng cáo che kín mặt tiền nhà không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy… Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, các biển hiệu này còn đe dọa, ảnh hưởng đến trật tự an toàn của thành phố.

Vi phạm tràn lan

Trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, mỗi khi dừng xe tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ và các giao lộ, người đi đường thường bị dúi tận tay vô số những tờ bướm, tờ rơi quảng cáo. Đội ngũ phát quảng cáo kiểu này rất hùng hậu, sẵn sàng len lỏi giữa dòng người xe tấp nập để nhét bằng được tờ rơi cho người đi đường. Chỉ một loáng sau, khi những chiếc xe phóng đi cũng là lúc mặt đường đầy giấy rác.

Đây không chỉ là hành vi vi phạm, ngang nhiên xả rác làm mất mỹ quan đô thị mà hình thức quảng cáo kiểu này còn gây cản trở giao thông. Tiền công trung bình mỗi người phát quảng cáo kiểu này từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày, có khi trả bằng cách khoán số lượng hoặc tính theo giờ.

Những tờ bướm quảng cáo được in đủ kiểu, từ nhỏ đến to, từ trắng đen tới đủ màu lòe loẹt. Nội dung quảng cáo tựa như “lẩu thập cẩm” kiểu gì cũng có, từ khuyến mãi, bán trả góp, giảm giá đến đại nhạc hội, khai trương cà phê, quán ăn, quán nhậu, cơ sở massage, karaoke, dạy kèm, dạy khiêu vũ, cho thuê phòng trọ… Gần đây, nhiều dự án chung cư còn tổ chức cho hàng chục nhân viên mặc đồng phục xếp hàng dài phát tờ rơi chào mời khách đi đường.

Vào siêu thị, bệnh viện, nhà sách hay khu vui chơi giải trí công cộng, hầu như không ai thoát khỏi nạn bị quấy nhiễu bởi hàng trăm loại thông tin quảng cáo kiểu này, không dí tận tay cũng nhét vào rổ, vào baga xe máy.

Theo Luật Quảng cáo, quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Ảnh: LÊ MINH

Cùng với vấn nạn quảng cáo phản cảm, kém văn hóa làm mất mỹ quan đô thị (điều trị trĩ mạch lươn, yếu sinh lý, khoan cắt bê tông, ca sĩ ôm cột điện…) từng khiến ngành chức năng và chính quyền địa phương mất nhiều công sức thì loại quảng cáo kiểu xả rác trên đường đang ngày càng rầm rộ, làm xấu bộ mặt thành phố. Để né sự kiểm soát, kiểm duyệt nội dung gắt gao của cơ quan quản lý văn hóa và không phải tốn kém chi phí, nhiều đơn vị, doanh nghiệp chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng xã hội, đi ngược lại chủ trương của thành phố trong cuộc vận động thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng thành phố xanh sạch đẹp”.

Ngoài ra, tình trạng đặt, dán, vẽ băng rôn quảng cáo tùy tiện; treo các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng… vốn được xếp vào những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo hiện vẫn còn khá phổ biến trên nhiều tuyến đường.

Siết quản lý biển quảng cáo ngoài trời

Một vòng các tuyến đường Trường Chinh (Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), xa lộ Hà Nội (quận 2, quận 9, Thủ Đức), các khu vực trung tâm, các cửa ngõ thành phố như giao lộ, vòng xoay Hàng Xanh, Lăng Cha Cả… người đi đường rất dễ thấy những pano, biển quảng cáo rất hoành tráng cao đến cả chục mét, che chắn tới 2 - 3 căn nhà; cũng không khó thấy những bảng quảng cáo chỉ còn trơ khung sắt cao chót vót trên sân thượng; những bảng quảng cáo mọc loạn xạ… không theo quy hoạch, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa gây nguy hiểm cho người dân.

Theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013), các biển hiệu phải thể hiện đầy đủ tên cơ quan chủ quản (nếu có), tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa chỉ và số điện thoại. Về kích thước, đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa là 2m, dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Còn với biển hiệu dọc, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao tầng nhà nơi đặt biển hiệu và chỉ được rộng nhất 1m. Tất cả biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Nhằm khắc phục tình trạng loạn quảng cáo, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về quảng cáo trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM vừa ban hành chỉ thị số 25/2014/CT-UBND về tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo. Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TPHCM trình UBND TPHCM phê duyệt trong quý 4-2014.

Trong khi chờ phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TPHCM, Sở Văn hóa - Thể thao không cấp phép với những hồ sơ của tổ chức, cá nhân thông báo sản phẩm quảng cáo có vị trí không đúng quy định của Luật Quảng cáo hoặc quy hoạch chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Đối với những bảng quảng cáo đã có văn bản đồng ý nội dung quảng cáo, sẽ kết thúc theo thời hạn ghi trong văn bản. Với các bảng quảng cáo tấm lớn còn lại được xem xét gia hạn không quá 6 tháng cho đến khi UBND TPHCM phê duyệt và công bố quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Sở Xây dựng được giao hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Quản lý đô thị quận, huyện để tham mưu trong việc cấp phép xây dựng màn hình chuyên quảng cáo, bảng quảng cáo, biển hiệu có diện tích theo quy định; chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng và 24 Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm về quy định chuyên ngành xây dựng đối với công trình lắp đặt, xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo tại trụ sở các tổ chức, cơ sở kinh doanh theo quy định theo Thông tư 19 của Bộ Xây dựng.

UBND TPHCM đã phê duyệt Đề cương Quy hoạch hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, TPHCM dự kiến hoàn chỉnh quy hoạch quảng cáo tại 24 quận huyện và các khu vực trọng điểm của thành phố; lập lại trật tự hoạt động này trên địa bàn thành phố; triển khai thực hiện quy hoạch trên cơ sở của Luật Quảng cáo và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Giai đoạn từ năm 2017 - 2025, thành phố sẽ ưu tiên sử dụng các công nghệ mới về quảng cáo tại các khu vực trọng điểm; ứng dụng các phương tiện quảng cáo tiên tiến để đáp ứng nhu cầu thông tin quảng cáo; chuẩn hóa các phương tiện quảng cáo trên các tuyến giao thông mới và các khu đô thị mới; chuẩn hóa công nghệ hiện đại các bảng cổ động chính trị ngoài trời, tạo mỹ quan đô thị đồng bộ; hoàn thiện kết nối phát triển đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời với các khu vực mở rộng đô thị và các đô thị vệ tinh, các tỉnh thành giáp ranh…

Từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, chấn chỉnh, lập lại trật tự quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, phát hiện trong số 175.156 biển hiệu quảng cáo ngoài trời, có tới 11.127 biển hiệu vi phạm.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục