Vì sao Mỹ Latinh miễn nhiễm với khủng hoảng?

Trong lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa giảm tăng trưởng tại nhiều quốc gia, khu vực Mỹ Latinh lại nổi lên với điểm sáng, tỷ lệ tăng trưởng ổn định, nợ công lẫn tỷ lệ thất nghiệp thấp. Theo hãng tin Reuters, tốc độ tăng trưởng khu vực Mỹ Latinh được dự báo sẽ đạt 3,5% trong năm 2012. Tuy thấp hơn so với 4,3% vào năm ngoái nhưng trong bối cảnh hiện nay đây vẫn là con số tăng trưởng đáng mơ ước.

Trong lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa giảm tăng trưởng tại nhiều quốc gia, khu vực Mỹ Latinh lại nổi lên với điểm sáng, tỷ lệ tăng trưởng ổn định, nợ công lẫn tỷ lệ thất nghiệp thấp. Theo hãng tin Reuters, tốc độ tăng trưởng khu vực Mỹ Latinh được dự báo sẽ đạt 3,5% trong năm 2012. Tuy thấp hơn so với 4,3% vào năm ngoái nhưng trong bối cảnh hiện nay đây vẫn là con số tăng trưởng đáng mơ ước.

Nhờ đâu các nước Mỹ Latinh có thể gần như miễn nhiễm với khủng hoảng và không rơi vào căn bệnh tài chính trầm trọng như các nước châu Âu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính bài học về nợ công từ cách đây 30 năm đã khiến Mỹ Latinh từ những quốc gia dễ tổn thương về kinh tế đã lập ra những bức tường đủ sức chống chọi từ những cơn bão tài chính trên thế giới. Và từ khi hồi sinh từ bài học đó, các chính sách kinh tế của Mỹ Latinh đã chú trọng đến tăng trưởng bền vững hơn là chạy đua tăng trưởng nóng.

Ngân hàng Thế giới từng đưa ra nhận định, một trong những biện pháp giúp kinh tế Mỹ Latinh vững mạnh hơn so với các quốc gia khác hiện nay là nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Argentina, Mexico, Brazil, ba nền kinh tế hàng đầu khu vực Mỹ Latinh, đã tích trữ nguồn ngoại hối hơn 500 tỷ USD. Chính sách thắt chặt tiền tệ và kiểm soát chặt tỷ giá hối đoái đã góp phần không nhỏ giúp tăng lợi nhuận từ hàng hóa xuất khẩu, giúp đẩy nhanh tỷ lệ tăng trưởng và giữ vững ổn định trong thời kỳ khủng hoảng. Các cơ quan quản lý tiền tệ của Brazil, Chile, Colombia, Mexico, Peru và Uruguay đang tuân thủ mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Theo đó, sự ổn định giá cả trở thành mục tiêu chính của chính sách tiền tệ, còn lãi suất ngắn hạn có thể là công cụ duy nhất được sử dụng để đạt được mục tiêu lạm phát. Kết quả là những can thiệp vào thị trường hối đoái diễn ra thường xuyên và ở nhiều nước, ngay cả tại những nước đã cam kết thả nổi đồng nội tệ như Chile và Mexico. Một số nước, điển hình là Brazil, cũng đang đánh thuế đối với các dòng vốn quốc tế và có các biện pháp kiểm soát khác trong một nỗ lực nhằm ổn định giá trị đồng nội tệ.

Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 6,5%, việc giúp thêm 73 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong 10 năm qua đã dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại khu vực này, giúp các chính phủ Mỹ Latinh củng cố quyền lực, không dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị gây trở ngại cho các chính sách phát triển đất nước. Bên cạnh đó, châu Mỹ Latinh còn được hưởng một nguồn lợi không nhỏ từ nguồn dầu mỏ và khí đốt. Đứng đầu khu vực này là Venezuela, ngành công nghiệp dầu mỏ đóng góp tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn một nửa ngân sách nhà nước.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff mới đây tự tin nói: “Trong những năm qua khi thế giới hắt hơi, chúng tôi cũng bị viêm phổi. Nhưng giờ đây điều đó không còn nữa. Brazil đã sẵn sàng đối phó”. Tuy nhiên, người đứng đầu IMF, bà Christiane Lagarde, cho rằng thách thức đối với một khu vực Mỹ Latinh với vai trò đối tác mới toàn cầu hiện nay là tiếp tục duy trì tăng trưởng trong một môi trường đầy biến động, đồng thời cần tăng trưởng phổ quát hơn về xã hội nhằm xây dựng xã hội công bằng hơn. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục