Vì sao Mỹ vẫn cần chính phủ Yemen?

Sau Bin Laden, giờ đây có lẽ Mỹ sẽ lên kế hoạch tiêu diệt thêm những thủ lĩnh khủng bố khác, trong đó có Anwar al-Awlaki, thủ lĩnh khủng bố sinh học tại Mỹ tới Yemen từ năm 2004.

Sau Bin Laden, giờ đây có lẽ Mỹ sẽ lên kế hoạch tiêu diệt thêm những thủ lĩnh khủng bố khác, trong đó có Anwar al-Awlaki, thủ lĩnh khủng bố sinh học tại Mỹ tới Yemen từ năm 2004.

Ông này là một trong những thủ lĩnh đang có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của Al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP). Anwar al-Awlaki trở thành mối nguy hiểm không chỉ đối với Mỹ mà còn đe dọa quyền lợi của Mỹ tại khu vực giàu dầu mỏ này. Mỹ cho rằng chính y chủ mưu vụ đánh bom hụt trên máy bay của hãng Northwest Airlines  đêm Giáng sinh năm 2009 và vụ xe hơi cài bom tại Quảng trường Thời Đại ở New York tháng 5-2010. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 5-5 vào nơi ở của Anwar al-Awlaki đã không hạ gục mục tiêu như mong đợi, chỉ tiêu diệt được hai thuộc hạ. Điều chắc chắn, theo các báo Mỹ, cuộc tấn công này, không như cuộc tấn công tiêu diệt Bin Laden, đã nhận được sự hợp tác toàn diện từ chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh.

Cũng giống như cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf hay cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, ông Saleh lên cầm quyền từ năm 1978 sau một cuộc đảo chính. Một quan chức an ninh cấp cao của Yemen đã xác nhận với báo The Wall Street Journal rằng chính phủ Yemen đã cung cấp cho Mỹ chi tiết về nơi trú ẩn của Awlaki cách đó vài ngày. Chính phủ Yemen hiện đang bị người biểu tình đòi từ chức, đã xem thành tích này như một cái phao cứu sinh. Washington đã từng ủng hộ đề xuất của các nước Arab vùng Vịnh buộc ông Saleh từ chức trong vòng 1 tháng. Lúc đầu ông Saleh chấp nhận đề xuất này nhưng giờ đây lại bác bỏ, có lẽ ông đã nhận được tín hiệu đèn xanh từ Washington. Thực tế, Mỹ lo ngại nếu Yemen rơi vào tình trạng vô chính phủ, AQAP hiện là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất sẽ càng lộng hành hơn. Thế nhưng Mỹ sẽ khó ăn khó nói với lực lượng biểu tình ở Yemen khi mà đã có 150 người chết từ tháng 1 tới nay.

Quan hệ giữa Mỹ với các nước hợp tác chống khủng bố với Mỹ có thể được xem là ngoại lệ so với “tiêu chuẩn” về nhiều vấn đề  mà Washington thường đưa ra đối với các nước. Điều đó cho thấy vì sao Mỹ rất cần mối quan hệ với các nước Trung Á bất chấp những điều mà Mỹ cho là “phi dân chủ”. Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đôi lúc bằng mặt mà không bằng lòng. Tổng thống Pakistan trước đây, ông Pervez Musharraf cũng nhờ được Mỹ hậu thuẫn nên duy trì quyền lực khá lâu sau cuộc đảo chính năm 1998.

Cho tới nay, trong cuộc săn lùng và tiêu diệt Bin Laden, Mỹ và Pakistan vẫn nghi kỵ lẫn nhau về thiếu tinh thần hợp tác. Có thể thấy rằng, dù bất kỳ tình huống nào, Mỹ sẽ không để quan hệ giữa Mỹ với các nước hợp tác chống khủng bố ở vị trí địa đầu bị tổn hại. Đối với những nước như vậy, càng ít thay đổi thể chế càng thuận lợi hơn cho tiến trình hợp tác, nó sẽ không làm thay đổi 100% hay ít nhất là làm gián đoạn chính sách hợp tác chống khủng bố với Mỹ.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục