Các cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô Paris vào tối 13-11 làm hơn 150 người thiệt mạng đã làm cả thế giới bàng hoàng. Nhưng vì sao lại là Pháp?
The Telegraph giải thích ngắn gọn: Pháp chiến đấu chống Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới; Pháp có một trong những cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu và được cho là xã hội phân chia nhất; Pháp cũng có một nguồn vũ khí nhập lậu đổ vào qua biên giới lỏng lẻo của lục địa châu Âu. Những điều đó tạo nên một hỗn hợp nổ mạnh trong lòng nước Pháp, như đã thể hiện qua cuộc tấn công tòa soạn tuần báo biếm Charlie Hebdo ở Paris khiến 12 người thiệt mạng hồi tháng 1, và bây giờ là loạt tấn công khắp Paris.
Báo chí Pháp ngày 14-11-2015 bao phủ một màu tang tóc với tin các vụ tấn công khủng bố Paris.
"Đây là vì Syria", một trong những tên khủng bố tấn công Paris tối 13-11 đã hét lên như thế. Nhưng hắn ta cũng có thể hét lên "vì Mali", "vì Libya", hay "vì Iraq"...
Đúng vậy, Pháp tự hào với thế chủ động chống Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới, đặc biệt là khi đối mặt những gì mà Anh và Mỹ thường nhượng bộ. Hiện có hơn 10.000 lính Pháp đang được triển khai ở nước ngoài: 3.000 ở Tây Phi, 2.000 ở Trung Phi và 3.200 ở Iraq.
Sự can thiệp của Pháp ở Mali, chống Al Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) trong năm 2013 được xem là có vai trò chủ chốt trong việc làm suy yếu các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nửa tháng trước đây, một thủ lĩnh AQIM đã kêu gọi các thành viên tấn công Pháp để trả đũa sự hiện diện của Pháp trong khu vực.
Và mới tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp sẽ triển khai tàu sân bay ở vịnh Persian để hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, đặt ông vào một sự đối đầu với các thủ lĩnh Hồi giáo.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là nội bộ nước Pháp. Người Hồi giáo có ít vai trò trong kinh doanh hay chính trị, có thể mang cảm giác bị cô lập và loại trừ. Nhà nước thế tục Pháp, việc cấm khăn trùm burka của người Hồi giáo, sức mạnh gia tăng của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN)... đã không giúp xoa dịu được sự căng thẳng giữa các cộng đồng.
Mohamed Merah, tay súng Hồi giáo tiến hành các vụ thảm sát ở Toulouse đầu năm 2012, đã lớn lên trong một vùng ngoại ô nghèo khó, từ một tội phạm nhỏ, bị ngồi tù, rồi nổi lên là một chiến binh thánh chiến tàn bạo và xem đó là "ý nghĩa cuộc sống".
Mehdi Nemouche, thủ phạm giết 4 người tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels, Bỉ, vào tháng 5-2014, cũng đã cực đoan hóa trong thời gian ngồi tù, đi sang Syria khi ra tù rồi trở về tấn công Bảo tàng Do Thái.
Cherif Kouachi và Amedy Coulibaly, 2 thủ phạm vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo, đều theo một quỹ đạo tương tự, bao gồm thiếu cơ hội, thành tội phạm, vào tù và cực đoan hóa.
Bên trong các nhà tù Pháp, có khoảng 70% số tù nhân là người Hồi giáo, con số ước tính, không có số liệu chính thức vì theo luật, Pháp không thể yêu cầu một người khai tôn giáo của họ. So sánh, ở Anh và xứ Wales, người Hồi giáo chiếm 14% số tù nhân và chiếm 5% dân số cả nước, theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh.
Sau vụ tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công, The Telegraph đã đưa tin về việc Pháp đang phải khó khăn đối phó tình trạng cực đoan trong các nhà tù, khác với Anh, nơi có rất ít thủ lĩnh Hồi giáo xâm nhập các nhà tù, hạn chế sự cực đoan hóa. Hồi tháng 4, bà Rachida Dati, cựu Bộ trưởng Tư pháp Pháp, hiện là báo cáo viên đặc biệt về tình trạng cực đoan, đã cho biết rằng Pháp đã không làm đủ để chống sức mạnh của Hồi giáo cực đoan trong nhà tù.
Và một mối quan tâm không ngừng khác của giới chức Pháp là vũ khí dễ dàng buôn lậu vào Pháp. Bỉ vốn lâu nay phải khó khăn đối phó vũ khí lậu và người ta tin rằng thủ phạm tấn công tòa soạn Charlie Hebdo có được vũ khí từ Bỉ. Khu vực bán đảo Balkan cũng là nguồn cung vũ khí lớn, những năm cuộc chiến Balkan đã để lại khu vực này đủ loại vũ khí với giá rẻ và không có nguồn gốc.
Những điều đó tạo kết quả là một thùng thuốc nổ ở Pháp, để các cuộc tấn công tàn bạo như ở Paris tối 13-11 có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
THIỆN NGUYỄN