Vì sao vẫn có nhiều người xả rác ra đường?

Thực tế ở nước ta, hàng ngày vẫn có rất nhiều người thản nhiên đổ rác ra đường, vứt xuống cống rãnh, ném xuống kênh rạch, hút thuốc và phóng uế nơi công cộng... 

Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, bình quân khối lượng rác thải nơi công cộng trên địa bàn TPHCM mỗi ngày khoảng 2.300 tấn. 

Một câu hỏi đặt ra: Vì sao có những người khi ở trong nước vẫn tự tiện xả rác, hút thuốc, vứt tàn thuốc và khạc nhổ bừa bãi tại nơi công cộng, nhưng khi đi du lịch sang các nước phát triển thì rất có ý thức giữ vệ sinh đô thị? Có thể là do tâm lý khi mới đến xứ người còn bỡ ngỡ nên không dám hành xử tự tiện theo thói quen. Cũng có thể do mức chế tài đối với các hành vi gây mất vệ sinh đô thị ở nước ta còn nhẹ nên chưa đủ răn đe và còn do pháp luật nước ta có quy định chế tài nhưng không ai thực thi kiểm tra, xử lý. Thực ra, với người có lòng tự trọng, biết cư xử có văn hóa, biết hành xử văn minh, thì luôn thể hiện ý thức giữ vệ sinh môi trường mọi lúc mọi nơi, khi ở trong nhà mình hay ra nơi công cộng, khi ở trong nước hay ra nước ngoài.

Việc tuyên truyền, giáo dục để những người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị chuyển biến sẽ cần nhiều thời gian, chưa thể là chuyện ngày một ngày hai. Bao nhiêu năm nay, mấy thế hệ nối tiếp nhau lớn lên đều nhập tâm câu hát: “Em nhớ lời cô dặn không hái, bông hoa này là của chung”, vậy mà nhiều người trong số đó khi trưởng thành vẫn không có ý thức sống cộng đồng. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cần có biện pháp thực thi xử lý hiệu quả hơn đối với hành vi vi phạm vệ sinh môi trường đô thị. Kinh nghiệm của các nước giữ được môi trường xanh - sạch là áp dụng mức phạt cao và buộc người vi phạm phải lao động công ích dọn dẹp vệ sinh đô thị. Chắc chắn khi phải tự tay đi dọn rác thì họ mới hiểu nỗi vất vả của người công nhân vệ sinh và cảm thấy xấu hổ vì hành vi xả rác bừa bãi của mình. 

Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. So với những quy định trước đây, mức xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP cao hơn nhiều lần, có những hành vi mức phạt tối đa đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm, và 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm. Thế nhưng, tình hình vệ sinh môi trường vẫn chưa có chuyển biến. Trong các nội dung quy định về hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, nghị định đưa ra các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động; và có hình thức buộc khắc phục hậu quả. Tiếc rằng, trong thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền chưa mạnh dạn áp dụng biện pháp xử phạt buộc khắc phục hậu quả đối với các cá nhân xả rác bừa bãi hay xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao. Đó sẽ là mức “học phí” để người vi phạm học bài học về ý thức sống cộng đồng và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị. Song người có hành vi xả rác bừa bãi có thể ít sợ bị phạt tiền bằng buộc phải khắc phục hậu quả trước sự chứng kiến của mọi người như phải tự tay hốt dọn rác mình đã xả trên đường, đã đổ xuống dòng kênh đen. Đó sẽ là cách nhắc nhở, răn đe có hiệu quả nhất dành cho những người xả rác bừa bãi.  

Nhìn ở một góc độ khác, sẽ không thể xử phạt nghiêm được đối với các hành vi xả rác bừa bãi, phóng uế nơi công cộng khi còn thiếu thùng rác nơi công cộng, thiếu nhà vệ sinh công cộng, và trên nhiều đường phố vẫn còn quá nhếch nhác, bẩn thỉu. Kiểm tra xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường đô thị là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền và công an địa phương, thanh tra chuyên ngành cùng với sự phối hợp của các lực lượng khác, thế nhưng đã có tình trạng đùn đẩy, buông lỏng việc tổ chức kiểm tra giám sát, xử phạt để thực thi pháp luật về giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị, nên rất hiếm trường hợp xả rác bừa bãi bị xử phạt, tạo ra tâm lý xem thường pháp luật. Cần thực hiện đồng loạt các biện pháp chấn chỉnh mới có thể cải thiện được tình hình vệ sinh môi trường đô thị.

Tin cùng chuyên mục