Vì sự phát triển của thành phố và đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân

Nhân dịp Xuân mới Canh Tý 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, có cuộc trả lời phỏng vấn Báo SGGP về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2019 và định hướng mục tiêu, giải pháp phát triển thành phố trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, giai đoạn 2020-2025.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng cán bộ quận 12 về việc cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giữ vững ổn định chính trị - xã hội và vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

- Phóng viên: Đồng chí có thể cho bạn đọc Báo SGGP biết về những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong năm 2019?

* Đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2019, trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, thách thức như cả nước và đặc thù vốn có của thành phố, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết và sáng tạo, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng tưởng khá, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở 10 điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, năm 2019, kinh tế của thành phố tăng trưởng khá cao và là năm thứ tư liên tiếp thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2016 đạt 8,2%; năm 2017 đạt 8,25%; năm 2018 đạt 8,3% và năm 2019 đạt 8,32%, cao hơn tăng trưởng kinh tế của cả nước (7,02%).

Thứ hai, vai trò của khoa học, đổi mới sáng tạo của thành phố tiếp tục được phát huy, nên năng suất lao động của thành phố năm 2019 tăng 6,82%, cao hơn năm 2018 (tăng 6,63%). So với cả nước, năm 2016, năng suất lao động của Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn 2,7 lần và đến năm 2019 thì cao gấp 2,9 lần. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% lao động cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 đã tạo ra 24% tổng sản phẩm nội địa của cả nước, cao hơn mức 22% của năm 2016.

Thứ ba, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, trong năm 2019 có thêm 44.000 doanh nghiệp mới được thành lập, bình quân mỗi ngày có thêm 120 doanh nghiệp mới. Số doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Tính ra, cứ 1.000 người dân thì ở Thành phố Hồ Chí Minh có 26 doanh nghiệp, trong khi con số này của cả nước là 8 doanh nghiệp.

Thứ tư, thu hút đầu tư ở mức cao, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP, cao hơn mức đầu tư của cả nước. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh mẽ, năm 2019 đạt 8,3 tỷ USD, với 1.620 dự án, cao hơn gấp đôi về quy mô đầu tư cũng như số dự án so với năm 2015. Từ năm 2017, quy mô đầu tư nước ngoài vào thành phố vượt mốc 5 tỷ USD/năm và từ năm 2018, số dự án đầu tư nước ngoài vào thành phố vượt mốc 1.000 dự án/năm.

Thứ năm, thu ngân sách của thành phố đạt 409.900 tỷ đồng (vượt dự toán 2,7%), chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước. Bình quân mỗi ngày thành phố thu ngân sách 1.600 tỷ đồng.

Thứ sáu, 55% người lao động ở thành phố có bảo hiểm xã hội, cao hơn mức bình quân của cả nước (30%).

Thứ bảy, trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25-7-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, các cấp các ngành, nhất là các quận - huyện đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ 7 nhóm giải pháp lớn để chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép và sai phép. Đồng thời, cần tạo điều kiện để người dân xây dựng nhà ở hợp pháp, xây dựng nhà cho thuê hợp pháp, tiến tới đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người nhập cư, với mức tăng dân số của thành phố là khoảng 1 triệu người sau mỗi 5 năm. Sau 5 tháng triển khai, số vụ xây dựng không phép, trái phép giảm 38% so với đầu năm.

Thứ tám, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 16 hội thảo quốc tế về những vấn đề thiết thực, làm cơ sở xây dựng các đề án phát triển thành phố trong 10 năm tới và thu hút được nhiều tổ chức, chuyên gia của nước ngoài tham gia, nhất là từ những nước là đối tác chiến lược của Việt Nam. Có thể kể đến các hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giáo dục thông minh, y tế thông minh, cung cấp nước sạch - an toàn cho 10 triệu dân thành phố, phát triển hệ thống cây xanh, công viên và chiếu sáng đô thị, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực, quy hoạch Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố…

Thứ chín, thành phố đã xác định để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì phải phát huy sức mạnh văn hóa của nhân dân thành phố, xem đây là một nguồn lực bên trong rất quan trọng phải được khai thác tốt hơn. Phương châm đặt ra là: Phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc để phát triển kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn trong cạnh tranh toàn cầu và kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện để văn hóa tiếp tục phát triển. Từ đó, thành phố đã đặt yếu tố văn hóa - con người ở một vị trí mới trong chủ đề Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thứ mười, thành phố tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống người dân được bình yên, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa được Tổ chức Những người làm việc nước ngoài của thế giới đánh giá là thành phố đáng sống đứng thứ ba trên toàn thế giới đối với những người làm việc ở nước ngoài.

Vì sự phát triển của thành phố và đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân ảnh 2 Người dân TPHCM và du khách chào đón năm mới tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì thành phố và cả nước

- Phóng viên: Nhưng thưa đồng chí, phải chăng thành phố phát triển như vậy là phù hợp với tiềm năng, lợi thế của mình?
* Đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Kết quả phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua là rất đáng trân trọng nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình?

Thứ nhất, chúng ta phải nhìn nhận có phải toàn bộ người dân và doanh nghiệp đã thực sự hài lòng đối với sự phục vụ của hệ thống Đảng, hệ thống Chính quyền? Rõ ràng là chưa.

Hiện nay, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của Chính quyền tăng lên, nhưng chưa phải tất cả người dân, doanh nghiệp đều hài lòng. Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt mục tiêu lọt vào tốp 5 các địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cả nước. Đây là yếu kém và thách thức lớn mà thành phố cần quyết liệt khắc phục.

Thứ hai, trong thời gian qua có những nguồn lực chưa được thành phố khai thác, phát huy hết tiềm năng. Chẳng hạn, hiện nay nông nghiệp thành phố đóng góp 1% GRDP, nhưng sử dụng khoảng 54% diện tích đất toàn thành phố. Trong khi, dịch vụ và công nghiệp (giá trị gia tăng được tạo ra trên 1ha đất dịch vụ, công nghiệp gấp 1.000 lần so với nông nghiệp) đóng góp 99% GRDP lại chỉ sử dụng khoảng 7% diện tích đất toàn thành phố. Như vậy, nếu thành phố chuyển một phần diện tích đất đang sử dụng cho mục đích nông nghiệp hiện nay để phát triển dịch vụ và công nghiệp thì sẽ tạo được một quỹ đất lớn và thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có quy mô lớn hơn.

Cụ thể, nếu diện tích đất nông nghiệp giảm từ 54% xuống còn 33% (để bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Cần Giờ, phát triển rừng và tạo ra khoảng 1% giá trị kinh tế của thành phố) thì diện tích đất cho dịch vụ, công nghiệp của thành phố sẽ tăng trên 14%, tức là gấp đôi diện tích đất công nghiệp, dịch vụ hiện hữu. Đây là nguồn lực rất lớn để thành phố phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng thời gian qua chưa được phát huy.

Thứ ba, sự tương tác giữa doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước - được gọi là tam giác phát triển - vẫn còn bị đứt đoạn và rời rạc. Do đó, để phát huy mối tương tác hiệu quả hơn nữa, thành phố đã và đang tập trung cho việc ra đời Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố. Việc này sẽ giúp thành phố tạo được động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 qua việc phát huy hiệu quả cao 3 nguồn lực lớn là giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sự quản lý Nhà nước.

Thứ tư, hiện nay, tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố chỉ 18%, thấp nhất cả nước (của Hà Nội là 35%, Bình Dương 36%, Đồng Nai 47%, Đà Nẵng 68%, Hải Phòng 78%, Cần Thơ 91%...). Thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án tăng tỷ lệ phần trăm (%) thu ngân sách được để lại cho phát triển thành phố. Khi đề án được Quốc hội thông qua, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển trong hiện tại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có đóng góp ngân sách Trung ương càng lớn hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố, nhằm tăng tính tự chủ, sáng tạo và đáp ứng kịp thời hơn đòi hỏi thực tế cuộc sống ở một thành phố có dân số khoảng 11 triệu người vào năm 2030, mật độ dân số khoảng 5.000 người/km² và 11 quận - huyện có dân số khoảng 500.000 người trở lên. Khi đề án được Quốc hội thông qua sẽ tạo thêm cơ chế có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ năm, sự hợp tác của Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ trong thời gian qua tuy có tiến bộ, nhưng hiệu quả chưa cao. Đồng thời, việc phát huy các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học và chính quyền địa phương của các nước ngoài mà có quan hệ đối tác chiến lược đối với đất nước cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa đạt hiệu quả cao, còn tiềm năng rất lớn.

Năm yếu tố trên là động lực và nguồn lực rất quan trọng chưa được thành phố phát huy tốt. Nếu thành phố có các giải pháp đột phá để phát huy 5 yếu tố thể chế này thì chắc chắn thành phố sẽ phát triển nhanh hơn nữa, năng suất lao động còn cao hơn nữa và đóng góp cho phát triển đất nước còn nhiều hơn nữa.

Do đó, nhiệm vụ đổi mới thể chế ở 5 nội dung trên không chỉ là trách nhiệm đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là vì cả nước.

Vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân

- Phóng viên: Từ những thành tựu đã đạt được cùng với những hạn chế và tiềm năng vừa được đề cập, thành phố tập trung những giải pháp gì để khắc phục hạn chế, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tiếp tục đóng góp hiệu quả vào phát triển cả nước và chăm lo cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh?

* Đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025): “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Với chủ đề này, Thành ủy đã công bố Dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI với 3 chương trình đột phá (chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố; chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa thành phố) và chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố. 

Trong 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm nêu trên có hơn 10 đề án, chương trình cụ thể liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của người dân. 

Thứ nhất, trong giải pháp thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh, cải cách hành chính thì đặt ra yêu cầu chính quyền phải phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn, cả phục vụ trực tiếp và phục vụ trực tuyến trên không gian mạng. Sự hài lòng của người dân ở từng lĩnh vực phải đạt trên 95%.

Thứ hai, thành phố sẽ xây dựng và triển khai chương trình phát triển nhà ở cho 2 triệu người dân tăng thêm, từ các địa phương khác đến thành phố trong 10 năm tới. 

Thứ ba là đề án phát triển cây xanh, công viên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, đảm bảo chất lượng không khí và chiếu sáng đô thị của thành phố. 

Thứ tư là đề án giảm ô nhiễm môi trường ở thành phố, ngoài giảm ô nhiễm chất thải rắn (biến rác thành điện), chất thải lỏng thì thành phố còn đặc biệt quan tâm giảm ô nhiễm không khí trong thời gian tới.

Thứ năm là đề án y tế thông minh và y tế cộng đồng. 

Thứ sáu là đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời. 

Thứ bảy là đề án phòng chống ma túy và tội phạm.

Thứ tám là đề án phát triển văn hóa. 

Thứ chín là đề án phát triển thể thao.

Thứ mười là đề án xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Tất cả các đề án này sẽ được xây dựng cho giai đoạn 10 năm 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Thành phố bước vào mùa Xuân Canh Tý 2020 - một giai đoạn 10 năm phát triển mới. Đảng bộ, Chính quyền thành phố tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, kiên cường, nghĩa tình, phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có cùng thời cơ mới của hội nhập toàn cầu và của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trách nhiệm Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành phục vụ nhân dân, coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu cao nhất, coi phát triển đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền là thiêng liêng nhất, vì cả nước, cùng cả nước, nhất định Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất định người dân thành phố sẽ hạnh phúc hơn. Xin kính chúc đồng bào thành phố một năm Canh Tý an lành, thành công và hạnh phúc.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục